Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Mông với niềm đam mê may thêu trang phục truyền thống

07:23, 01/07/2018

Giữa nhịp sống tấp nập ngày nay, nhiều nét đẹp trong trang phục văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Tuy vậy, trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, những chiếc váy truyền thống của người Mông vẫn rạng rỡ khoe sắc giữa núi rừng.

Tại thôn Nao Huh, xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) những đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông vẫn miệt mài tỉ mỉ may thêu trang phục, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và hơn cả là giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đôi bàn tay trẻ khéo léo tạo ra những sản phẩm đẹp của phụ nữ H’Mông.
Đôi bàn tay trẻ khéo léo tạo ra những sản phẩm đẹp của phụ nữ H’Mông.

Thôn Nao Huh có 201 hộ dân, với hơn 95% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống gồm người Mông Trắng, Mông đen và Mông Hoa. Tại đây hiện có 10 phụ nữ đang phát huy và lưu giữ nghề may thêu trang phục truyền thống. Trong đó, chị Hoàng Thị Sáo (50 tuổi) là người có nhiều năm kinh nghiệm và may thêu giỏi ở địa phương. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Giang trong một gia đình thuần nông, không được học may vá nhưng nhờ vào đam mê với nghề nên chị quyết tâm tìm tòi để tự tay tạo ra những trang phục đẹp. Năm 1996, chị vào Đắk Lắk lập nghiệp đem theo cả ước mơ còn dang dở. Không nản lòng, chị quyết tâm học bằng được nghề may trang phục truyền thống sao cho đẹp nhất, độc đáo và đúng với bản sắc dân tộc mình nhất. Đến nay, tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng chị là một trong số ít những phụ nữ Mông còn lưu giữ và phát triển nghề may thêu cho nhiều thế hệ con cháu tại địa phương.

Chị Hoàng Thị Sáo  giới thiệu những  sản phẩm mình làm ra.
Chị Hoàng Thị Sáo giới thiệu những sản phẩm mình làm ra.
 

“Hiện thôn Nao Huh có 10 chị em phụ nữ duy trì nghề may thêu trang phục truyền thống của người Mông. Ngoài việc thỏa niềm đam mê và duy trì được nét đẹp truyền thống của dân tộc thì đây còn là một công việc đem lại thu nhập cao cho các chị em”.

 
 
Ông Vàng A Phụng, Trưởng thôn Nao Huh, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông

Nhìn ngắm những bộ trang phục kỳ công và đẹp tỉ mỉ đến từng chi tiết mới biết rằng để làm ra nó là cả một quá trình. “Để hoàn thành một sản phẩm mất từ 2 đến 3 ngày. Hoa văn họa tiết là điều quan trọng nhất để tạo nên nét riêng biệt của trang phục truyền thống người Mông, đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và sáng tạo của người thêu, bên cạnh đó gửi gắm được những thông điệp về cuộc sống thường ngày lên chính trang phục ấy”, chị Sáo chia sẻ.

Mạnh dạn theo đuổi đam mê mà mình đã lựa chọn, em Sùng Thị Súng (18 tuổi) ở thôn Nao Huh, xã Cư Drăm là một trong số thanh niên trẻ tuổi tiếp tục duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình. Đam mê nghề may thêu từ khi còn bé nên em luôn theo đuổi để trở thành một nghệ nhân may thêu giỏi. Khi còn học lớp 9, Súng đã biết thêu những hoa văn, họa tiết đơn giản nhất, sau đó tự học may trên những tấm áo, tấm vải rách. Đến nay, em đã là người  may thêu giỏi ở địa phương. Súng tâm sự, phần lớn chị em phụ nữ tại địa phương đều có chung suy nghĩ học xong là sẽ lấy chồng. Tuy nhiên, nhận thức được việc lấy chồng sớm sẽ rất khổ, nên em quyết định chưa lấy chồng mà theo đuổi ước mơ của mình là học may thêu quần áo, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Xuân Thái - Duyên Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.