Nét đẹp trang phục thổ cẩm của người M'nông
Cùng với các dân tộc khác như Êđê, Mạ, Xê Đăng… ở Tây Nguyên, người M’nông có nền văn hóa dân gian vô cùng độc đáo với các nghi lễ, lễ hội, truyện cổ, lời nói vần, luật tục…và những nghề thủ công truyền thống như đan lát mây tre, nghề dựng nhà, nghề mộc... Trong đó, nghề thêu dệt sợi, nhuộm hoa văn trên nền vải đạt tới trình độ tinh tế, thể hiện sự cần cù, khéo léo, sáng tạo của phụ nữ M’nông.
Xưa kia, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người M’nông riêng sống du canh du cư, tự cung tự cấp khép kín giữa rừng; trong đó, tự dệt vải, may trang phục cho các thành viên trong gia đình là một việc rất quan trọng. Áo vỏ cây chính là trang phục đầu tiên và duy nhất giúp con người che đậy cơ thể, chống lại giá rét khi đi trong rừng rậm… Người M’nông thường tách phần vỏ cây chặt từng khúc ngắn, lột hết lớp áo cứng bên ngoài rồi mang luộc chín, đập mềm, phơi khô, sau đó tước thành sợi nhỏ, đưa vào khung dệt. Người M’nông có hai kiểu áo làm bằng vỏ cây phổ biến nhất: áo may hai bên hông rồi khoét lỗ chính giữa, chui đầu vào (không có tay), loại này thường dùng cây lớn, tạo được khổ vỏ rộng; áo khoét lỗ, chui đầu nhưng do khổ vỏ cây hẹp nên dùng dây rừng se lại buộc hai bên hông.
Trang phục của phụ nữ M'nông. |
Ban đầu người M’nông dùng vỏ thân cây tước thành sợi để dệt thành trang phục. Sau này họ dùng bông của quả blang (bông gòn rừng). Khi có đã có đầy đủ số lượng bông, người ta mang phơi khô, nhặt và tách cho hết hạt, đập kỹ, rồi dùng một dụng cụ để bật cho sợi bông tơi ra không còn dính bết vào nhau. Sau đó là công đoạn dùng sa cán bông thành sợi. Qua nhiều lần se như thế bông sẽ thành sợi thô, cuộn lại trong sa thành chỉ rồi cuốn lại thành từng lọn, mang nhuộm trong một chiếc nồi gốm để tạo ra thành các màu cần thiết. Màu sắc thổ cẩm truyền thống của người M’nông gồm các màu chủ đạo là đen, đỏ, vàng, tím, trắng, xanh... Người ta thường chọn nền vải là màu đen, tượng trưng cho màu đất; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên, khát vọng tình yêu; màu xanh tượng trưng cho màu của trời, sông núi; màu vàng tượng trưng cho sự hài hòa, mơ ước, khát vọng trong cuộc sống của con người M’nông…
Trang phục truyền thống của người M’nông là các loại y phục kiểu choàng quấn, như áo chui đầu, mền khoác ngoài và các loại khố, các loại váy mảnh mặc kiểu quấn quanh thân người.
Những sản phẩm thổ cẩm của người M’nông như mền đắp, khố, váy, túi, áo… không chỉ phục vụ nhu cầu các thành viên trong gia đình, mà còn là tài sản để trao đổi hàng hóa và cũng là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Vì vậy, các cô gái người M’nông trước khi lấy chồng đều được bà, mẹ truyền dạy dệt thổ cẩm. |
Nhắc đến trang phục cổ xưa của nam giới người M’nông đầu tiên phải kể đến là chiếc khố quấn đặc trưng, gắn liền với lịch sử, tập quán ăn mặc, trang phục của họ. Nó được sử dụng trong các lễ hội, thậm chí trong sinh hoạt thường ngày của người già với các loại khố trắng, khố đen, khố hoa. Riêng khố trắng có hai loại là khố dệt bằng sợi vỏ cây (troi djăr) và khố dệt bằng chỉ trắng (troi bok), chiếc khố này dài từ một đến hai vòng lưng, người nghèo thường quấn khố này. Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có dệt hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố se thành chùm sợi, chiếc khố này dài từ 3 - 5 vòng lưng. Khố hoa dệt bằng chỉ đen (troi nhong), hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm, dài từ 5 đến 7 vòng lưng; người giàu sang có địa vị mới quấn loại khố này. Trang trí hoa văn trên y phục nam giới còn có đặc điểm nữa là sử dụng những tua ngắn có màu đỏ rực để điểm trên hai đường biên của mép khố. Người đàn ông quấn khố hoa đi dự lễ hội được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ, nở mặt nở mày cho vợ con bởi ai cũng khen vợ nhà biết dệt biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm.
Phụ nữ M'nông thi dệt vải. |
Ngoài ra, một loại trang phục rất cổ xưa là tấm choàng mà người M’nông gọi là su nhắp. Đó là một tấm vải có khổ rộng tối đa khoảng 90 cm với các dải trang trí hoa văn được bố trí chạy dài theo chiều dọc sợi (vuông góc với khổ vải). Từ thảm vải dài đã dệt, người ta cắt lấy hai đoạn mỗi đoạn dài khoảng 2 m hoặc hơn một chút rồi can hai tấm liền vào với nhau, còn hai đầu thì khâu viền để được một tấm đắp có quy mô khoảng 2 m x 1,8 m. Đây là một vật dụng đa năng, dùng để làm chăn hoặc choàng lên người trong những ngày giá lạnh và không phân biệt giới tính hay lứa tuổi, cũng có khi dùng để địu trẻ nhỏ. Trước kia, những chiến binh của thị tộc, bộ tộc khi lâm trận thì vận chéo su nhắp trước ngực làm áo giáp.
Phụ nữ M’nông thường mặc tấm váy ngắn, ống tay áo ngắn vừa mang dáng vẻ dịu dàng, lại vừa phô được vẻ đẹp khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Tấm vải dài khoảng 3 m, sau khi bớt lại một phần làm đôi ống tay, phần còn lại dài khoảng 1,5 m để làm thân áo được gấp làm đôi theo chiều dọc sao cho thân sau dài hơn thân trước khoảng 15 cm. Tại chỗ gập đôi, được khoét một lỗ lượn tròn nghiêng về thân trước để chui đầu. Từ cạnh lỗ thủng này là chính giữa thân trước xẻ xuống khoảng 12 cm để mở rộng cho đủ chỗ chui đầu. Từ hai mép đường xẻ dọc này, người ta đính sít vào nhau thành một mảng sợi bện màu đỏ chói, nhìn tổng thể là hình vuông áp sát vào nhau, tạo thành một hình chữ nhật nằm ngang hay chuẩn hơn là một hình thang cân, có đáy dài ở trên. Mảng sợi bện màu đỏ này được quan niệm là cánh chim đại bàng, chiếm lĩnh ở ngay phần ngực trên nền màu chàm sẫm của áo tạo nên vẻ hoành tráng cho mảng trang trí độc đáo.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông đang dần bị mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để bảo vệ và phát triển nghề dệt thổ cẩm cần có những giải pháp cơ bản về cơ chế chính sách, về vốn, kỹ thuật, hỗ trợ tìm đầu ra trên thị trường… mới có thể bảo tồn và phát triển được các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào qua sản phẩm dệt thổ cẩm.
Đoàn Nhân
Ý kiến bạn đọc