Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện văn hóa

Nhất nghệ tinh…

15:18, 04/11/2018

Nghệ nhân chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn không nhiều. Trong số đó, những người thực sự nắm giữ bí quyết tạo ra thang âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại sáo, kèn, đàn… làm bằng tre trúc quen thuộc, gần gũi lại càng hiếm hoi.

Ví như ở TP. Buôn Ma Thuột hiện nay chỉ có hai nghệ nhân thuộc hạng “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” như dân gian từng quan niệm mà thôi. Đó là ông Y Bhiông Niê (còn gọi là Ama H’Loan) ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi và ông Y Míp Ayun (tên thường gọi là Ma Kim) ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập. Vậy họ nắm giữ bí quyết gì?

Qua tìm hiểu từ những người chuyên chế tác nhạc cụ dân tộc thiểu số tại chỗ, được biết chỉ có hai nghệ nhân này mới làm được lam tre (lưỡi gà) cho các loại sáo, kèn truyền thống. Cái lam ấy, đơn giản chỉ là một mảnh cật tre bé như móng tay, trên đó được rạch ba đường theo hình chữ U để gắn vào đầu ống thổi của kèn và sáo. Chi tiết chỉ có vậy, nhưng nhiều người am hiểu nhạc cụ truyền thống cho rằng nó cực kỳ tinh xảo và nhạy cảm. Bởi lam tre làm ra dày quá thì hạn chế độ rung, mỏng qúa thì khi đổ hơi vào sẽ bị xé ra, khiến âm thanh không chuẩn. Còn nữa, ba đường rạch nói trên phải vô cùng sắc sảo và độ hở của nó thì chỉ có ông Y Bhiông và Y Míp mới “độc quyền” tạo ra thương hiệu trong nghề chế tác nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Nghệ nhân  Y Míp Ayun  với chiếc kèn Đing năm do ông chế tác.
Nghệ nhân Y Míp Ayun với chiếc kèn Đing năm do ông chế tác.

Nói như vậy là vì ngoài tài năng bẩm sinh ra, họ còn tích lũy rất nhiều kinh nghiệm – và hơn thế, tâm hồn của người tạo tác hẳn đã lĩnh hội đầy đủ vốn văn hóa của cộng đồng, dân tộc mình với nhiều tầng nấc, cung bậc tình cảm sâu sắc, đa chiều. Cái mà hai nghệ nhân này làm ra và đương nhiên hơn hẳn người khác, chính là sự chắt lọc từ những cảm nhận ấy. Đến giờ, như nghệ nhân Nguyễn Đức ở thôn 5, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đánh giá: Không riêng gì anh tìm đến ông Y Bhiông và Y Míp đặt làm những chiếc lam tre kia, mà hầu hết giới chế tác nhạc cụ truyền thống trên địa bàn Đắk Lắk đều như vậy. Còn không, tự mày mò làm ra cái lưỡi gà tưởng chừng như đơn giản ấy, thì thang âm, điệu thức của sáo, đàn các loại không bao giờ đạt chuẩn được - hoặc là phô, hoặc là chùng xuống đến mức tắt tiếng.

Có thể nói, nhờ nắm giữ được bí quyết này trong nghề chế tác nhạc cụ bằng tre trúc, nên cuộc sống của họ cũng từng ngày được cải thiện hơn. Y Míp tâm sự: Mỗi cái lam tre được người ta mua vài nghìn, nhưng có lúc bán ra vài trăm chiếc cũng có thu nhập kha khá. Ngoài ra còn được nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức và cá nhân đặt làm sáo, đàn, kèn… để kinh doanh, dự thi, hội diễn hay làm kỷ niệm cũng tạo nguồn sống ổn định cho gia đình. Thỉnh thoảng lại được nơi này, chỗ kia và kể cả nước ngoài mời đi trình diễn, giao lưu…Thật không sai câu nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc