Di tích chờ... sổ đỏ!
Theo Phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT-DL), đến nay 29 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia đều chưa được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Điều đó khiến việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gặp không ít khó khăn, nhất là khi một số công trình được các đơn vị, cộng đồng sở hữu nỗ lực mời gọi đầu tư, khai thác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Du khách đến tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy, nói như ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VH-TT-DL tại cuộc họp lấy ý kiến từ các cơ quan, ban, ngành chức năng về việc trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử Đồn điền CADA (huyện Krông Pắc) vào cuối tháng 10 vừa qua – là do “tồn tại lịch sử”.
Theo ông Thái Hồng Hà, hầu hết các di tích đã được cấp thẩm quyền ra quyết định giao đất và sở chủ quản cũng đã tiến hành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ (vùng lõi cũng như vùng đệm) di tích. Vấn đề còn lại là các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ di tích phải nhanh chóng lập và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các di tích, đặc biệt là di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Việc làm này là hết sức cần thiết để trước mắt tránh tình trạng di tích bị xâm hại và lâu dài hơn nhằm tránh sự xung đột có thể xảy ra về mặt quản lý Nhà nước trong quá trình trùng tu, tôn tạo, sử dụng, phát huy giá trị di tích như tài sản quý báu và hết sức có ý nghĩa ở vùng đất này.
Ý kiến trên của vị tân Giám đốc Sở VH-TT-DL được nhiều người đồng tình, chia sẻ bởi trên thực tế đã có không ít địa phương vướng vào câu chuyện tranh chấp quyền sở hữu di tích, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần và trong thời gian dài mà các cơ quan chức năng khó khăn lắm mới giải quyết được như Khu Di tích Dinh thự Vua Mèo của dòng họ Vương ở Hà Giang, hay Làng cổ Đường Lâm – Hà Nội...
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc