Krông Búk nỗ lực giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng
Thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30-8-2016 của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, huyện Krông Búk đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, đầu tư phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với công tác bảo tồn giá trị đặc sắc của cồng chiêng.
Theo lời giới thiệu của anh Y Bíp Niê, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk, chúng tôi tìm đến xã Cư Né nơi được xem là “giàu có” về chiêng khi còn lưu giữ được đến 70 bộ. Trong ngôi nhà khang trang, ông Y Sinh Niê (61 tuổi) ở buôn Drah 1 lấy bộ chiêng được cất cẩn thận ra khoe: “Bộ chiêng nhà mình có từ lâu lắm rồi, là “báu vật” truyền từ nhiều đời rồi. Trước đây, để có được nó, chủ nhân phải đổi hơn chục con trâu. Tôi rất sợ cồng chiêng bị thất lạc và hư hỏng nên có ai mượn đều phải dặn dò giữ gìn cẩn thận...”.
Trưởng buôn Drah 1 Y Đoan Niê cho biết, hiện trong buôn còn lưu giữ được 14 bộ cồng chiêng. Mỗi khi có lễ hội, hay các gia đình có cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới… đều tổ chức đánh cồng chiêng để tạ ơn trời đất, thần linh. Khoảng 40 năm trước, hầu như nhà nào cũng có bộ cồng chiêng nhưng qua thời gian thì mai một dần, chủ yếu do người dân đi làm rẫy xa nhà nên bị kẻ xấu lấy cắp. "Để bảo tồn những bộ cồng chiêng còn lại, chi bộ buôn đã chỉ đạo ban tự quản phối hợp với các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức gìn giữ cồng chiêng cho bà con, tuyệt đối không buôn bán, cất giữ an toàn tránh mất cắp” - ông Y Đoan Niê nói.
Nghệ nhân Y Môi Mlô (buôn Drah 2) cẩn thận lau chùi bảo quản bộ cồng chiêng của gia đình. |
Còn ở buôn Drah 2 (xã Cư Né), không chỉ lưu giữ 6 bộ cồng chiêng mà còn thành lập được đội đánh cồng chiêng lứa tuổi thanh thiếu niên gồm 9 thành viên. Nghệ nhân Y Môi Mlô (66 tuổi) trải lòng: “Bây giờ cuộc sống hiện đại nhiều, tiếng chiêng không còn vang lên nhiều như xưa. Nhưng cồng chiêng là báu vật của ông bà để lại, nếu mình không cố gắng truyền cho con cháu thì sau này những người già chết đi còn ai biết đánh chiêng nữa”.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk, hiện trên địa bàn huyện có 200 bộ cồng chiêng được người dân gìn giữ, bảo quản, trong đó có 10 bộ chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Nhằm phát động phong trào thi đua luyện tập và biểu diễn cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây, huyện đã tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong toàn huyện thu hút 120 diễn viên, nghệ nhân tham gia và đông đảo khán giả đến xem cổ vũ.
Ông Y Sinh Niê (buôn Drah 1) luôn coi bộ cồng chiêng là "báu vật" của gia đình mình. |
Song song với công tác bảo tồn, tuyên truyền giúp người dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình thì việc phục dựng các lễ hội cũng được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm. Ông Nguyễn Đức Lĩnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Búk cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức phục dựng được 3 lễ hội gắn với văn hóa cồng chiêng gồm lễ hội cúng mừng sức khỏe ở buôn Ea Túk, xã Cư Pơng (năm 2016); lễ hội cúng mừng cơm mới tại buôn Drah 1, xã Cư Né (năm 2017) và lễ hội cúng bến nước ở buôn Đrao, xã Cư Né (năm 2018). Các hoạt động phục dựng nghi lễ truyền thống đó nhằm tái hiện lại các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, qua đó, khơi dậy niềm tự hào và thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.
Nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong lớp trẻ, từ năm 2016 đến nay, huyện Krông Búk đã tổ chức 6 lớp dạy đánh chiêng Kram cho con em đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng 200 em tham gia; mua 2 bộ chiêng Kram cấp cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Krông Búk và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, xã Ea Sin. |
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc