Multimedia Đọc Báo in

Mạch nguồn văn hóa buôn làng

15:20, 04/11/2018

Ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nghệ nhân là người nắm giữ những bản trường ca, khan, h’mon bất hủ như Đam San, Xinh Nhã...; chế tác và biểu diễn điêu luyện các loại nhạc cụ tre nứa; biết đánh nhiều bài cồng chiêng; sáng tạo nên những tác phẩm điêu khắc trên các ngôi nhà làng như nhà rông, nhà gươl, nhà ưng hay trên các ngôi nhà ở truyền thống hoặc nhà mồ…

Họ đóng vai trò khác nhau trong cuộc sống cộng đồng, có khi trong vai một già làng đứng ra phân xử các vụ tranh chấp, kiện cáo, phạt vạ những người vi phạm luật tục (tập quán pháp) của cộng đồng; có lúc là thầy cúng chủ trì các nghi lễ cúng thần linh và cũng có lúc là nghệ sĩ chế tác và diễn tấu các nhạc cụ dân tộc mỗi dịp buôn làng tổ chức các lễ hội cộng đồng. Để tiếp nối vai trò của một nghệ nhân bậc thầy, họ còn là người truyền dạy các tri thức cho thế hệ kế cận để văn hóa dân gian của dân tộc mình được thẩm thấu, nhân rộng, chuyển tiếp từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác.

Trong số già làng miền núi, có người xuất sắc về một hoặc nhiều lĩnh vực của văn hóa truyền thống. Trước đây, các vị già làng như Atùng Vẻ (dân tộc Cơtu ở huyện Đông Giang, Quảng Nam), K’Ngân (dân tộc M’nông ở Quảng Khê, Đắk Nông), Y Dơn (dân tộc J’rai ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk)… là những người am hiểu nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, có thể chế tác, biểu diễn, truyền dạy âm nhạc cho nhiều người. Hay cụ Điểu Klưt, Điểu Klung (dân tộc M’nông, tỉnh Đắk Nông) là những “bộ nhớ sống” của cộng đồng vì họ có thể thuộc hàng chục sử thi Ot N’drong. Họ xứng đáng được ví như “cây đại thụ của núi rừng đại ngàn”, được dân làng, cộng đồng nể trọng. Kế thừa những người đi trước, hiện nay những tên tuổi như nghệ nhân Bhlâu Clao (dân tộc Cơtu ở thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), nghệ nhân Đinh Viêu (dân tộc Ba Na ở huyện K’bang, tỉnh Gia Lai)… là những già làng giỏi về điêu khắc tượng, phù điêu, vẽ tranh, trang trí hoa văn trên nhà làng truyền thống, cây nêu, nhà mồ.

Nghệ nhân Bhriu Pố đang hoàn thiện bức tượng Gà trống tham dự cuộc thi Điêu khắc gỗ dân gian.
Nghệ nhân Bhriu Pố đang hoàn thiện bức tượng Gà trống tham dự cuộc thi Điêu khắc gỗ dân gian.

Các già làng, trưởng bản người dân tộc Cơtu, Xơ đăng, Giẻ Triêng, Êđê, M’nông… thường rất giỏi về nhiều mảng trong vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nghệ nhân Kêr Tíc có biệt tài tạc tượng, khắc chạm các bức phù điêu như một nhà điêu khắc nhưng ông cũng rất giỏi trong vẽ tranh, thể hiện các hoa văn truyền thống như một họa sĩ. Với tài năng đặc biệt của mình, lão nghệ nhân này đã có công tạo dựng nhiều công trình kiến trúc, mỹ thuật tại quê hương ông, như nhà truyền thống của làng Ka Noonh, làng truyền thống Cơtu tại trung tâm huyện Tây Giang và một số địa phương trong nước. Nghệ nhân Bhriu Pố kỳ tài trong tạc tượng gỗ, đã từng tham gia trại điêu khắc gỗ dành cho các nghệ nhân Tây Nguyên nhưng ông cũng rất giỏi về các lĩnh vực khác trong kho tàng tri thức dân gian của dân tộc Cơtu. Ông đã mang tri thức đó phục vụ cho chính gia đình và cộng đồng mình. Tri thức dân gian về ẩm thực, về y dược được giữ gìn, áp dụng để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn của dân làng Cơtu. Bhriu Pố đã trồng, nhân giống cây tà vạc, tr’đin trên các nương rẫy, vườn tược để có nguyên liệu làm rượu, thay thế cho các cây mọc hoang dại trong tự nhiên đã bị người khai thác suy kiệt hoặc bị mất dần do rừng bị tàn phá. Bên cạnh đó, ông còn trồng nhiều cây dược liệu truyền thống dân tộc như sâm ba kích, đẳng sâm, các loại cây cho lá, cho củ có thể khai thác để chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, các loại rau rừng giàu dinh dưỡng cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Các già làng chính là nghệ nhân dân gian giữ vai trò trọng yếu trong việc lưu giữ và truyền bá nền văn hóa dân gian của mỗi dân tộc. Họ là một bộ “bách khoa toàn thư” hay là một “bảo tàng sống” giữ gìn một cách bảo đảm nhất, nguyên bản nhất các tài sản văn hóa dân gian.

Các cụ bà ở làng Công Dồn, xã Duôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam) là những người nắm giữ nhiều bí quyết về nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Nơi đây đồng bào vẫn còn trồng bông, se sợi, chế biến thuốc nhuộm, nắm giữ kỹ thuật, bí quyết dệt các loại hoa văn cổ xưa, chế tác, sử dụng các loại hình trang phục truyền thống. Họ tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc canh tác cây bông bản địa và thuần hóa giống bông của các dân tộc khác như người Lào, người Kinh, làm phong phú thêm nguồn giống bông ở địa phương. Đến nay, đồng bào vẫn sử dụng khung dệt xưa, biết khai thác các loại cây có sẵn trong thiên nhiên để chế biến thành thuốc nhuộm vải chàm và tạo hoa văn, sắc phục truyền thống.

Già làng dân tộc  Ba Na ở tỉnh  Kon Tum vẫn  đau đáu  với nghề đan gùi.
Già làng dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum vẫn đau đáu với nghề đan gùi.

Các già làng rất giỏi một số nghề thủ công như đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình như gùi, nong nia, chiếu, nghề làm đồ gốm. Họ đan được hầu hết các vật dụng khác nhau như gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm, gùi có nắp, gùi cho trẻ em gái, gùi đựng vật dụng trong các lễ hội truyền thống, gùi đựng lúa… Và nhiều loại vật dụng khác như: nia sảy lúa, nong phơi lúa, gùi ba ngăn của đàn ông, mâm ăn cơm các loại, mâm dùng để đựng đồ cúng trong các lễ hội truyền thống đến rổ đựng cơm hoặc đựng rau...

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc bảo tồn các "báu vật sống" đó. Ðó chính là việc Nhà nước, cộng đồng thừa nhận những tài năng của các già làng, nghệ nhân dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, bảo tồn và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.