Multimedia Đọc Báo in

Gian nan đưa sử thi Tây Nguyên trở lại buôn làng

06:55, 22/12/2018

Đưa sử thi trở lại với đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là mục tiêu đặt ra của Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam thực hiện từ năm 2001 – 2007 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, sau hơn 10 năm công bố, mục tiêu trên vẫn chưa đạt, thậm chí di sản phi vật thể quốc gia này đang đứng trước nguy cơ biến mất trong các buôn làng.

Nhìn từ thực tế  

Sau khi dự án trên hoàn thành vào đầu năm 2007, đã có 98 sử thi của người Êđê, Bana, Jarai, Sê Đăng, M’nông được lựa chọn biên dịch, xuất bản (bằng hai thứ tiếng bản ngữ và Việt) nhằm đưa về hệ thống thư viện các cấp và trường học, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hy vọng làm sống lại đời sống sinh hoạt hát kể sử thi trong các buôn làng như ngày xưa.

Một tiết mục trong chương trình Âm vang đại ngàn.
Một tiết mục trong chương trình Âm vang đại ngàn.

Tuy nhiên, việc làm ấy không mang lại hiệu quả do nhiều nguyên nhân: điều kiện xã hội, lịch sử đã thay đổi; phong tục, tập quán và tín ngưỡng đã khác xưa. Hay nói như ông Y Plao Buôn Krông, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP. Buôn Ma Thuột: Chủ thể của vốn di sản kia không còn mặn mà đón nhận nữa, vì sử thi đã mất đi chức năng là “một trường học lớn”, có sức mạnh chi phối và dẫn dắt cộng đồng tìm đến học hỏi, nâng cao hiểu biết về cuộc sống cũng như thế giới xung quanh mình. Sử thi sống được trong sinh hoạt cộng đồng là nhờ vậy, người ta gắn bó với sử thi như một nhu cầu. Mỗi đối tượng, thành phần, lứa tuổi đều tìm thấy trong đó những giá trị khác nhau - ít nhiều có liên quan đến tâm tư, suy nghĩ cũng như cách hành xử của bản thân trong cuộc sống đời thường. Vì thế, ai cũng muốn nghe hát kể sử thi và cố gắng thuộc lòng càng nhiều sử thi của dân tộc mình càng tốt.

 

“Tin rằng Sử thi Tây Nguyên sẽ có đời sống mới một khi những giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong đó thông qua những hình tượng, sự kiện kỳ vĩ và mơ tưởng nhất được các thành viên trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ tiếp nhận một cách gần gũi và quen thuộc như việc họ vẫn tham gia múa hát, trình diễn cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống của mình”.

 
 
 TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Tây Nguyên)

Trong đời sống hiện đại thì nhu cầu đó không còn nữa, truyền thông và nhiều phương tiện khác đã thay thế vai trò, chức năng của sử thi nên vốn di sản này ngày càng mất dần chỗ đứng trong sinh hoạt cộng đồng. Ông Y Plao cho rằng, không những trong buôn làng vắng lặng những đêm hát kể sử thi, mà việc đọc những cuốn sử thi được in ấn và xuất bản theo khuyến khích, cổ súy của các cơ quan thực thi cũng chẳng được mấy ai quan tâm, nhất là lớp trẻ hiện nay. Thực trạng đó là không thể phủ nhận, bởi con số báo cáo hàng năm của hầu hết các thư viện cấp huyện, điểm bưu điện - văn hóa xã cũng như trong thư viện trường học có đông đảo người dân tộc thiểu số sinh sống, số đầu sách sử thi được đăng ký mượn đọc không đáng kể, thậm chí có nơi hơn 10 năm qua không ai để ý.

Hướng đi nào?

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, những năm gần đây đời sống văn hóa của bà con được đầu tư, quan tâm hơn thông qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc liên hoan cồng chiêng, diễn xướng và biểu diễn âm nhạc truyền thống…  nên có thể đưa hát kể sử thi vào kết hợp với những hoạt động trên, vì trong bản thân sử thi đã hàm chứa những yếu tố mang tính chất nguyên hợp này.

Những pho sử thi được xuất bản, đưa về hệ thống thư viện cơ sở, nhưng rất ít người quan tâm.
Những pho sử thi được xuất bản, đưa về hệ thống thư viện cơ sở, nhưng rất ít người quan tâm.

Còn GS-TS. Phan Đăng Nhật (Hội Văn nghệ - Dân gian Việt Nam), một trong những chuyên gia nghiên cứu Sử thi Tây Nguyên gợi mở:Nên chuyển hình thức thể hiện nghệ thuật của di sản này sang các loại hình văn hóa - văn nghệ và phương thức nghe nhìn hiện đại khác. Chẳng hạn như khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện để chính chủ thể sáng tạo sử thi hát kể trong môi trường sống và lao động hàng ngày. Theo đó, phối hợp với các chuyên ngành khác chuyển tải sử thi lên màn ảnh, sân khấu nhằm phục vụ trở lại cho bà con người dân tộc tại chỗ.

Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Tây Nguyên) đề xuất thêm: Nếu coi sử thi là bộ phận quan trọng trong dòng chảy văn hóa truyền thống Tây Nguyên thì nên có nhận thức về sự tồn tại của nó trong đời sống hiện nay một cách cụ thể, sát thực hơn. Không chỉ cấp bộ, ngành Trung ương mà mỗi tỉnh trong khu vực nên có bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến thường xuyên và sâu rộng hơn giá trị Sử thi Tây Nguyên thông qua sinh hoạt, thực hành vốn văn hóa truyền thống ở mỗi địa phương - từ đơn vị buôn làng cho đến các cấp cao hơn.

     Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.