Một "sử quán" cho tre trúc, tại sao không?
Có một nơi chốn để thường xuyên trưng bày, giới thiệu và trình diễn các loại nhạc cụ bằng tre trúc của người dân tộc thiểu số tại chỗ là mong ước của nhiều người, nhất là du khách khi đến với Đắk Lắk. Từ vốn âm nhạc này sẽ giúp mọi người cảm nhận và hiểu thêm vốn văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của các tộc người ở đây.
Vắng dần trong các buôn làng
Cuộc sống đã thay đổi quá nhiều khiến việc chế tác, trình diễn các loại đàn như T’rưng, brố, kèn đing năm, đing tút, đing pơng, sáo lút, sáo wao và cả ching kram... vốn quen thuộc, gần gũi của người dân tộc thiểu số tại chỗ trở nên thưa thớt dần. Hằng năm, chỉ vào những dịp lễ hội được mở ra thì vốn âm nhạc nhạc ấy mới được một vài nghệ nhân thể hiện, sau đó vắng lặng trong các buôn làng. Điều đó - nói như nghệ nhân Ama H’Oanh (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) rằng, cuộc sống của bà con bây giờ trở nên đơn điệu hơn xưa và âm thanh tre trúc kia dường như đã “ngủ quên” trong mỗi nếp nhà. Ví như gia đình ông chẳng hạn, thi thoảng có khách đến thăm chơi thì ông mới lấy chiếc kèn đing năm, đing tút ra thổi, còn không nó vẫn nằm im trên kệ tủ, hoặc... gầm giường.
Chiếc kèn đing năm quen thuộc và gắn bó với mỗi gia đình người Êđê. |
Thực tế này không riêng gì buôn Akô Dhông, mà hầu hết những buôn làng khác cũng thế, âm thanh tre trúc đã không còn gần gũi và quen thuộc với mọi người. Ngay như nghệ nhân Y Míp Ayun, vốn nổi tiếng với tài năng chế tác, trình diễn các loại đàn, kèn, sáo của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhưng cũng chẳng mấy khi đem những nhạc cụ đó ra chơi ở nhà cả, vào buôn Kô Siêr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) có ai nghe ra âm thanh mộc mạc, chan chứa ấy đâu, trừ khi có lời đề nghị. Y Míp nói: "Kể cũng lạ, mấy lần đem tre trúc sang Phần Lan, Thụy Điển, Úc để chế tác, trình diễn cho người ta xem, người ta hiểu rồi say mê với vốn âm nhạc truyền thống của mình, còn ngay tại buôn làng thì chẳng mấy ai quan tâm đến".
Hướng đến... Nhà Văn hóa cộng đồng
Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh những Nhà Văn hóa cộng đồng ở hầu hết các buôn làng hiện nay đều “trống rỗng”, hoặc không có hoạt động gì đáng kể thì nên biến nó trở thành “sử quán” cho vốn âm nhạc tre trúc trên. Ở đó tập trung lại những người am hiểu công việc chế tác và trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống để vừa sinh hoạt, bảo tồn vốn văn hóa dân tộc, đồng thời vừa tạo sinh kế để nâng cao thu nhập thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch.
Giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). |
Nghệ nhân Y Míp Ayun
|
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk nhận xét, chế tác, biểu diễn vốn âm nhạc tre trúc của các dân tộc thiểu số tại chỗ là câu chuyện dài hấp dẫn và lý thú, nó gợi mở cho người thưởng lãm về nền văn hóa, lịch sử đậm chất hoang sơ. Hơn thế, trong quá trình sáng tạo, kế thừa và phát triển vốn âm nhạc tre trúc ở đây, nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã nỗ lực cải tiến, làm mới thêm nhiều nhạc cụ hết sức đặc trưng và độc đáo như dàn ching kram có ống cộng hưởng, ching gió đeo, sáo vỗ... khiến giới âm nhạc trong nước và quốc tế kinh ngạc, đánh giá cao. Vốn âm nhạc từ tre trúc ấy xứng đáng có một “sử quán” để giới thiệu, quảng bá cho mọi người tìm đến khám phá, trải nghiệm.
Theo nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Nhà Văn hóa cộng đồng là địa chỉ thích hợp để biến ý tưởng trên thành hiện thực. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp và thiết thực từ phía nhà nước cũng như các cơ quan chức năng nhằm xây dựng và vận hành thiết chế văn hóa mang dấu ấn cộng đồng sâu đậm này. Nếu làm được và trên địa bàn Đắk Lắk có nhiều “sử quán” như vậy thì chắc chắn không những giải quyết được bài toán giữa bảo tồn và phát triển, mà còn là kênh truyền thông quan trọng góp phần thực chứng, tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ hơn vốn văn hóa giàu bản sắc của các tộc người ở đây ra với bạn bè thế giới.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc