Tết của người Dao ở Cư Suê
Khi tiết trời se lạnh, mai vàng khoe sắc thắm báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc đồng bào Dao ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) tạm gác mọi công việc thường ngày để chuẩn bị đón Tết theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Như bao gia đình người Dao khác, từ ngày 25 tháng Chạp, chị Bàn Thị Bình (thôn 5) bắt đầu gói bánh, ngoài các loại bánh chưng, bánh gù… thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ của người Dao. Bánh dày được làm từ gạo nếp nấu chín, giã nhuyễn mịn, nặn thành hình tròn bẹp, rồi rắc vừng đều trên bề mặt bánh. Khi ăn có vị dẻo thơm, thanh mát, đậm đà. Bánh dày vừa để cúng tổ tiên vào ngày Tết, vừa là món ăn đãi khách đến thăm nhà để tỏ lòng mến khách.
Trước ngày 30 Tết, các gia đình chọn một ngày đẹp tổ chức cúng tất niên tại nhà thờ tổ của từng dòng họ, sau đó mỗi gia đình làm lễ cúng tại nhà riêng. Người Dao không tự làm lễ, mà phải mời thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn tổ tiên đã phù hộ sau một năm, làm lễ cúng giải hạn xua đi những rủi ro và cầu mong hạnh phúc, bình an cho năm mới.
Thiếu nữ Dao trong trang phục truyền thống. |
Trong ngày cuối cùng của năm cũ, người đàn ông có vị trí cao nhất trong gia đình trang trí nhà cửa. Người Dao thường dán giấy đỏ tại các cửa ra vào, trên bàn thờ với mong muốn một năm mưa thuận, gió hòa, nhiều may mắn đến với gia đình. Đêm giao thừa, cả gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa, đúng thời khắc chuyển giao, chủ nhà cầm một ống nứa hơ trên bếp lửa cho nóng già rồi đập xuống nền đất tạo ra tiếng nổ to. Làm như vậy để xua đuổi cái xấu, vận hạn của năm cũ và đón chào năm mới nhiều may mắn, phúc lộc.
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê
|
Sáng mùng một Tết, mọi người đều kiêng không quét nhà, giặt giũ, không sử dụng cối chày… để cả năm không gặp xui xẻo. Ông Đặng Hồng Quân, người uy tín của thôn Ea Mô cho biết: “Cũng có tục xông đất như người Kinh, người Dao đón khách xông nhà bằng 6 chén rượu. Trước tiên, chủ nhà rót 4 chén, tượng trưng cho tứ quý trong năm, chủ và khách cùng uống để cầu chúc những điều tốt lành trong năm mới, sau đó rót tiếp 2 chén để chúc nhau sức khỏe. Người khách được mời để xông nhà phải là người có đức tính tốt, cần cù trong lao động, sản xuất, hợp với tuổi của gia chủ và đặc biệt phải là nam giới. Cả ngày mùng một Tết, người Dao đi thăm hỏi, chúc Tết gia đình trong dòng họ”.
Từ ngày mùng hai trở đi, già trẻ, gái trai mặc những bộ trang phục truyền thống nô nức đi vui xuân. Những bộ váy này đều do chính tay phụ nữ Dao thêu, dệt. Hơn 40 năm gắn bó với nghề may thêu, bà Chìu Thị Minh (thôn Bình Minh) chia sẻ: “Để hoàn thiện một bộ váy áo phải mất từ 2-3 tháng. Giá một bộ có thể lên tới hàng triệu đồng tùy vào sự tinh tế của họa tiết và kim loại trang trí. Mỗi người phụ nữ Dao đều phải tự may cho các thành viên trong gia đình một bộ trang phục truyền thống để mặc vào các dịp lễ, tết”.
Bà Chìu Thị Minh (phải) thêu trang phục để đón Tết. |
Trước đây, người Dao ở xã Cư Suê thường vui xuân kéo dài đến rằm tháng Giêng, nhưng nay chỉ tập trung ăn Tết đến hết ngày mùng bốn. Vui xuân, mọi người tề tựu đến nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng - thường là một bãi đất rộng hoặc nhà văn hóa thôn. Từng tốp nam nữ chia thành nhóm để nhảy múa và chơi các trò chơi dân gian như: đánh quay, ném còn, kéo co... Họ hát cho nhau nghe những làn điệu giao duyên đặc sắc, thể hiện sự giao hòa giữa con người và đất trời. Tham gia các trò chơi dân gian trong ngày Tết không chỉ đem lại tinh thần sảng khoái mà người Dao còn gửi gắm nguyện ước một năm mới bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm no. Nhiều đôi đã thành vợ, thành chồng từ những buổi vui xuân như thế.
Sau một năm làm việc vất vả, Tết cổ truyền là dịp mọi người sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, dẹp bỏ mọi lo toan để vui chơi, an hưởng hạnh phúc. Những nét văn hóa ngày Tết giàu bản sắc dân tộc của người Dao như tô điểm thêm sắc Xuân trên vùng đất Cư Suê yên bình.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc