Âm vang đêm hội cồng chiêng M'nông
09:28, 18/03/2019
Hai năm một lần, đồng bào M’nông ở huyện Lắk lại được tham gia chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng tổ chức tại địa phương. Ngoài phục dựng, tái hiện lại một số nghi lễ cúng, đồng bào và du khách tham dự đêm hội còn được thưởng thức những bài chiêng truyền thống...
Mở đầu chương trình giao lưu văn hóa là phần phục dựng nghi lễ “cúng kết nghĩa anh em”. Lễ vật cúng gồm một con heo, ché rượu, cơm nếp, chuối chín, tiết trộn tim heo, vòng đeo tay, chuỗi hạt đeo cổ... Người kết nghĩa cùng ăn cơm nếp, chuối, tiết trộn tim heo để bày tỏ lòng trung thành giữa hai người, xem nhau như người trong một nhà. Thầy cúng sẽ đọc lời khấn, trao vòng chúc phúc cho những người được kết nghĩa, cầu mong cho họ luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau.
Khi tiếng chiêng đã ngân, cột lễ đã dựng, ché rượu đã được đổ đầy người dân cùng nhau khai rượu cần để đến với phần hội. Bên bếp lửa bập bùng, những chàng trai M’nông đánh cồng chiêng giỏi nhất tại các buôn làng trên địa bàn cùng nhau tấu lên những bài chiêng quen thuộc như: chào khách, mừng lúa mới, gùi lúa vào kho… Còn những cô gái M’nông cùng múa xoang theo nhịp điệu âm vang cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên. Qua màn trình diễn cồng chiêng độc đáo này, người xem hiểu thêm về nét nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào M'nông ở huyện Lắk.
Đội chiêng xã Buôn Triết trình tấu tại chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng. |
Già Y Nhuân Du (buôn M'liêng, xã Đắk Liêng) hào hứng nói: “Già cùng đội chiêng vừa biểu diễn bài chào khách. Để chuẩn bị cho đêm hội hôm nay các thành viên trong đội đã luyện tập rất kỹ. Sau mỗi lần giao lưu văn hóa cồng chiêng, già lại ý thức hơn việc truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ sau. Hiện nay, hơn 70% số người trong buôn M'liêng biết đánh cồng chiêng, và mới đây buôn đã thành lập được một đội chiêng trẻ hơn 10 em tham gia, già rất tự hào".
Còn với ông Y Tam Buốc (SN 1967, ở xã Nam Ka), mỗi lần tham dự chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng là dịp để ông trình diễn tài nghệ đánh chiêng của mình, nhưng quan trọng hơn là có nhiều thanh thiếu nhi thấy cái hay, thấy cái đẹp, từ đó thêm trân quý văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Ông Y Tam bồi hồi nhớ lại: "Ngày thơ ấu được theo bố mẹ đến các lễ hội trong buôn làng, ngồi bên bếp lửa xem các già làng đánh chiêng, múa xoang rồi đam mê cồng chiêng lúc nào không hay. Lúc nào tôi cũng nghĩ về cồng chiêng, kể cả lúc đi chăn bò cũng mang chiêng tre ra học đánh, học biểu diễn rồi dần dần đánh cồng chiêng giỏi".
Những năm gần đây, cùng với một số nghệ nhân trong buôn, trong xã, ông Y Tam cần mẫn truyền dạy đánh cồng chiêng cho đám trẻ của buôn làng. Ông Y Tam cho hay: “Trong lúc truyền dạy, tôi luôn động viên lớp trẻ cố gắng học, phải kiên nhẫn và thật sự yêu thích cồng chiêng. Sau vài buổi chỉ dạy lý thuyết, tôi mạnh dạn cho lũ trẻ thực hành đánh cồng chiêng tại một số nghi lễ để chúng làm quen, tự tin hơn…". Với sự tâm huyết của ông Y Tam, đến nay nhiều thanh niên ở xã Nam Ka đã đánh cồng chiêng giỏi. Ông Y Tam mong muốn có nhiều chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng được tổ chức trên địa bàn để thanh niên được giao lưu, học hỏi, cùng nhau gìn giữ để âm thanh cồng chiêng mãi vang tại các buôn làng.
Chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng huyện Lắk năm 2019 vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 3 có sự tham gia của hơn 100 nghệ nhân M’nông đến từ 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, nổi bật là các đội chiêng: buôn M'liêng (xã Đắk Liêng), buôn Buốc (xã Nam Ka), buôn Lê (thị trấn Liên Sơn)… |
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc