Dây mây rừng trong đời sống đồng bào M'nông
Cũng giống như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đồng bào M’nông khai thác và sử dụng nhiều loại cây có trong rừng làm nguyên liệu phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, dây mây rừng là nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu sử dụng cho nghề đan lát, dùng làm dây cột các vật dụng…
Trước kia, trong xã hội người M’nông, theo sự phân công lao động của nền kinh tế tự cung tự cấp, đan lát mây tre là nghề dành cho đàn ông. Mọi dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt hay canh tác nương rẫy đều từ đôi bàn tay khéo léo của những người đàn ông nhiều lứa tuổi làm ra. Rừng tre nứa, lồ ô, song mây bạt ngàn của núi rừng Tây Nguyên xưa kia là nguồn cung cấp vô tận cho công việc này.
Chiếc gùi làm từ mây, tre. |
Trong các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày, có nhiều vật dụng tinh xảo được làm từ sợi dây mây rừng như dụng cụ săn bắt voi, các loại gùi, dần, sàng, nia… Trong đó, khá độc đáo là bộ dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, lượng dây mây được sử dụng nhiều nhất để tạo hình dụng cụ hay cột bảo đảm độ bền, chắc. Chẳng hạn, chiếc vòng số 8 (còn gọi là cùm chân voi) được làm từ 3-5 sợi dây mây dài quấn tròn lại, sau đó dùng một sợi mây (chẻ đôi sợi dây mây nguyên) cột và siết chặt ở giữa tạo thành số 8 để cùm hai chân voi (trong quá trình thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà); hay bành voi được đan bằng dây mây theo kiểu tổ ong thành các tấm đan khác nhau, sau đó cột các điểm kết nối tạo thành một chiếc bành voi vững chắc...
Chiếc bành voi được đan từ dây mây rừng. |
Các vật dụng sinh hoạt như gùi, dụng cụ bắt cá, săn bắt thường có những hoa văn được tạo hình chính bằng dây mây trên mép và quai đeo một cách tỉ mỉ, chi tiết (hình đường xương cá, hình con cuốn chiếu, xà gạc, bông zớn…). Ngoài ra, dây mây còn được trang trí trên cây nêu, cột hom tranh, lá mây dùng lợp mái nhà, đan giỏ treo các vật dụng nhỏ như yăng ké đựng rượu cần, nồi đất, quả bầu, làm dây nỏ…
Dây mây được các nghệ nhân đan lát người M’nông chọn bởi tính năng bền, bóng, dẻo. Mỗi khi các thành viên trong gia đình đi rẫy, vào rừng, đi chơi xa gặp dây mây đều tranh thủ lấy về treo trên dàn bếp, tích lũy đến khi cần thì sử dụng. Ngày nay, rừng bị khai thác, diện tích ngày càng bị thu hẹp và cạn kiệt, nguồn nguyên liệu dây mây cũng mất dần. Cuộc sống hiện đại, đồng bào M’nông cũng đã chuyển sang sử dụng các vật dụng sinh hoạt, canh tác được sản xuất công nghiệp. Họ không còn mặn mà với nghề đan lát truyền thống của ông bà tổ tiên vốn đã tồn tại nhiều đời nay. Nhiều vật dụng đan lát trở thành vật kỷ niệm, được treo trên giàn bếp, thành vật trang trí và ngày càng mờ nhạt trong ý thức bảo tồn văn hóa của thế hệ trẻ hiện nay.
Đoàn Nhân
Ý kiến bạn đọc