Đình Hùng Lô - biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Hùng Lô là một làng cổ, một vùng đất thiêng gắn với nhiều huyền tích thời Hùng Vương trên vùng Đất Tổ Phú Thọ. Nơi đây, có không gian làng cổ quần tụ bên dòng Lô giang hiền hòa, những phong tục gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và mái đình Hùng Lô cổ kính từ lâu đã đi vào tâm thức của cư dân đất Việt.
Tương truyền, vào đời Lê Hy Tông (1697), người dân Hùng Lô dựng miếu để thờ phụng, khói hương Vua Hùng thứ 18, hướng về núi Nghĩa Lĩnh, nơi đóng đô của Hùng Vương. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, Vua Hùng cùng công chúa và các quần thần thường đi du ngoạn, thăm thú cảnh vật, săn bắn. Đến vùng đất Hùng Lô, thấy cảnh đẹp, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt nên dừng chân nghỉ ngơi. Khi thấy Vua Hùng đến, các bô lão và thần dân ra nghênh đón. Đời sau, nhân dân lập miếu thờ Vua để tỏ lòng biết ơn.
Đình cổ Hùng Lô là điểm đến tâm linh trong hành trình về cội nguồn. |
Nét cổ kính và dấu mốc thời gian của ngôi đình được thể hiện qua rêu phong trên mái ngói, trên cổng đình và văn hoa, kiến trúc của ngôi đình. Quần tụ giữa không gian bằng phẳng, thoáng đãng, đình Hùng Lô gồm nhiều hạng mục kiến trúc cổ như ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ Phật, bệ thờ Thần nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão. Ngoài những giá trị về kiến trúc, đình Hùng Lô như một bảo tàng thu nhỏ còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như đỉnh, đèn, lư hương, hạc đồng và nổi bật là bốn cỗ kiệu văn, một bộ kiệu bát cống. Bộ kiệu bát cống của Hùng Lô được đánh giá rất cao về nghệ thuật điêu khắc cổ thời Hậu Lê vào thế kỷ 17.
Đình Hùng Lô từ bao đời nay gắn với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân địa phương một cách sâu sắc. Đây là không gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh như lễ hội, hát Xoan. Lễ hội đình Hùng Lô được tổ chức từ ngày mùng 9 đến ngày 13-3 âm lịch hằng năm. Vào dịp này, người dân làng cổ Hùng Lô đều tổ chức rước kiệu, dâng lễ vật về Đền Hùng. Lễ vật dâng Vua Hùng gồm ván xôi gà, hoa quả, bánh nếp - là những sản vật nông nghiệp được làm từ chính bàn tay của cư dân trong vùng. Sau phần lễ, người dân làng Hùng Lô tổ chức rước kiệu vào Đền Hùng, đoàn rước kiệu gồm 200 - 400 người mặc trang phục lễ hội truyền thống, bốn cỗ kiệu sơn son thếp vàng. Quãng đường rước kiệu từ Hùng Lô đến Đền Hùng là 9 km, vì thế trên đường rước có các trạm nghỉ, dân làng Hùng Lô thường tổ chức múa sư tử và các diễn xướng dân gian hát Xoan. Đoàn rước kiệu đến chân núi Nghĩa Lĩnh sẽ nghỉ một đêm, đúng sáng ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì rước kiệu và lễ vật vào Đền Hùng để kịp giờ tế lễ.
Lễ hội đình Hùng Lô được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 âm lịch hằng năm. |
Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trong số 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên toàn quốc thì đình Hùng Lô là một di tích tiêu biểu, là biểu tượng thiêng liêng cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc