Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng miền Đất Tổ

14:52, 13/04/2019
Năm 2019, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ tổ chức cùng 3 tỉnh tham gia góp giỗ là Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La. Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức từ ngày 1-3 đến 10-3 âm lịch (tức từ ngày 5-4 đến ngày 14-4).

Những nghi lễ mang tính cộng đồng

Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về thăm Đất Tổ.

Về phần Lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6-3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10-3 âm lịch; Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương và tại các gia đình người dân trên địa bàn tỉnh ngày 10-3 âm lịch. Đặc biệt, nét mới năm nay là tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch để tất cả các huyện, thành phố, thị xã lần lượt tổ chức dâng hương tại Đền Hùng từ ngày 1-3 đến ngày 5-3 (khác với mọi năm trong chương trình dâng hương chỉ có huyện Lâm Thao, TP. Việt Trì). Cụ thể ngày 1-3 âm lịch gồm các huyện Lâm Thao, Đoan Hùng, Thanh Sơn và thị xã Phú Thọ; ngày 2-3 có các huyện Phù Ninh, Cẩm Khê, Tân Sơn; ngày 3-3 có các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Yên Lập; ngày 4-3 có thành phố Việt Trì và các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba.

Nghệ nhân và học sinh TP. Việt Trì (Phú Thọ) trình diễn hát Xoan.
Nghệ nhân và học sinh TP. Việt Trì (Phú Thọ) trình diễn hát Xoan.

Một nét mới nữa được tỉnh Phú Thọ triển khai năm nay là khuyến khích các gia đình trong toàn tỉnh chuẩn bị “mâm cơm tri ân” đầm ấm để tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên vào thời điểm Chủ lễ đọc chúc văn buổi sáng ngày Giỗ Tổ mùng 10-3 nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần thực hành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, thờ phụng tổ tiên. Đồng thời các địa phương trong tỉnh - nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương cũng đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian Lễ dâng hương tại Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh vào 6 giờ 30 ngày 10-3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống.

Sôi động các hoạt động văn hóa, văn nghệ

Chương trình khai hội được tổ chức ngày 8-3 âm lịch (tức ngày 12-4). Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP. Việt Trì, như: Hội trại văn hóa của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; tổ chức ngày Hội sách Đất Tổ; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng; Hội chợ Thương mại và giới thiệu sản phẩm các vùng miền năm 2019 tại TP. Việt Trì; Hội thi bơi Chải truyền thống trên sông Lô. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ; Giải bóng đá phong trào tỉnh Phú Thọ; Giải bóng chuyền các đội mạnh Cúp Hùng Vương; Giải Quần vợt truyền thống Cúp Hùng Vương. Ngoài ra, không thể không kể đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các địa phương tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019…

Đặc biệt, các tiết mục được lựa chọn biểu diễn đều là những nét văn hóa đặc sắc nhất của địa phương, dân tộc, gắn liền với mảnh đất cội nguồn và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Năm nay, trong chương trình diễn xướng có các tiết mục đờn ca tài tử, hát múa ví dặm và múa xòe Thái của đoàn nghệ thuật TP. Cần Thơ, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - tỉnh Nghệ An và đoàn ca múa nhạc tỉnh Sơn La. Ngoài ra, có nhiều tiết mục hấp dẫn, đặc sắc của các địa phương trong tỉnh Phú Thọ tham gia như: Trình diễn hát “Chầu văn” - huyện Hạ Hòa; tái hiện cảnh diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” – TP. Việt Trì; trình diễn trò “Tứ dân chi nghiệp” - Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao; múa “Chim gâu xúc tép” và trình diễn nghệ thuật “đi cà kheo” của người dân tộc Cao Lan, huyện Đoan Hùng; “Múa chuông”, “Sinh tiền” của người dân tộc Dao, huyện Tân Sơn; diễn tấu “Cồng chiêng, chạm ống” - dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn; múa “Sênh tiền” của người Mường, Yên Lập…

Lễ hội dân gian đường phố trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019.
Lễ hội dân gian đường phố trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019.

Một điểm nhấn thu hút tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay là Lễ hội dân gian đường phố với chủ đề “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn”, gồm ba nhóm biểu diễn chính là: nhóm lễ hội, nhóm trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống, nhóm xe mô hình với sự tham gia của 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đến từ các đoàn văn hóa dân gian các phường, xã của thành phố Việt Trì, đoàn nghệ thuật thành phố Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Sơn La; sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh; đoàn văn hóa dân gian đến từ các địa phương của tỉnh Phú Thọ… Có thể thấy, Lễ hội dân gian đường phố năm nay hạn chế trình diễn mô hình mà tăng diễn xướng dân gian, tăng tính nghệ thuật của các tiết mục biểu diễn, đồng thời vận động được sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư…

Trong di sản văn hóa dân tộc, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta.


Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.