Multimedia Đọc Báo in

Nan giải đầu tư, tôn tạo di tích

09:30, 12/05/2019

Đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk đã có 32/57 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng (cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh), số còn lại ngành văn hóa cũng đã có khảo sát, đánh giá bước đầu để đưa vào danh mục khoanh vùng quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là việc công nhận di tích chưa đi đôi với công tác đầu tư, tôn tạo đúng mức nhằm khai thác, phát huy giá trị vốn di sản quý báu trên.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Di tích tỉnh, chưa kể đến những di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cũng như cấp quốc gia ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… mà chỉ nhìn vào những gì đang diễn ra tại một số di tích được xếp hạng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian qua cũng đủ cho thấy vấn đề đầu tư, tôn tạo và phát huy vốn di sản này rất đáng quan tâm. Bởi trong 4/21 di tích được Bộ VH-TT-DL và Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, đến nay mới chỉ có vài công trình được đầu tư, tôn tạo với kinh phí hết sức khiêm tốn, nên chưa thể khai thác và phát huy giá trị nổi bật của từng di tích hiện hữu.

Hiện vật được trưng bày, giới thiệu trong Di tích Biệt điện Bảo Đại còn quá ít ỏi.
Hiện vật được trưng bày, giới thiệu trong Di tích Biệt điện Bảo Đại còn quá ít ỏi.

Ví như gần đây, Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, nhưng trên thực tế cái làm nên tầm vóc của “địa chỉ đỏ” này vẫn khiến nhiều người quan tâm, vì “trong ruột” của nó hầu như chưa có gì đáng kể. Bên cạnh một loạt công trình, hạng mục nằm trong vùng lõi di tích (như nhà lao, xà lim giam cầm và đày ải hàng nghìn người yêu nước từ những năm 1930 - 1954 và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này) đang bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, thì những hiện vật lịch sử liên quan được sưu tầm, trưng bày ở đây vẫn còn quá ít ỏi so với tính chất, quy mô của di tích.

Bà Kpa Tố Nga, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết hiện chỉ có một vài văn bản sự vụ, tư liệu và hình ảnh được các tổ chức, cá nhân hiến tặng, hoặc mua lại từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục là chính, chứ chưa thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách gần xa. Vì vậy sức hấp dẫn và lan tỏa của di tích này còn rất hạn chế, chưa thực sự trở thành điểm đến "không thể bỏ qua" khi đến với Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung.

Tình trạng trên cũng tồn tại tương tự đối với Di tích Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du - TP. Buôn Ma Thuột) do thiếu kinh phí sưu tầm, mua sắm hiện vật phục vụ khách tham quan. Được biết từ năm 2011, khi số hiện vật trưng bày ở đây (chủ yếu là chuyên ngành dân tộc học) phải chuyển sang Bảo tàng Đắk Lắk để phục vụ người xem thì bên trong di tích cấp quốc gia này trở nên trống rỗng. Đến năm 2013, UBND tỉnh mới cấp ngân sách hơn 400 triệu đồng để mua sắm lại một vài thứ liên quan đến vị cựu hoàng Bảo Đại như bộ bàn ghế tiếp khách, giường, tủ, tranh ảnh trang trí trong nội thất của công trình. Từ đó đến nay, với kinh phí nhỏ giọt hàng năm khiến đơn vị quản lý, khai thác di tích không thể sưu tầm, phục dựng thêm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh cũng như vật dụng vốn có của vị vua cuối cùng triều Nguyễn gắn với giai đoạn lịch sử đầy biến động trên vùng đất “Hoàng triều cương thổ” nói riêng và cả đất nước nói chung thời thuộc Pháp.           

Học sinh, sinh viên tham quan và nghe giới thiệu về Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Học sinh, sinh viên tham quan và nghe giới thiệu về Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Di tích Đồn điền CADA (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) cũng không nằm ngoài tình cảnh ấy, bởi hiện có nhiều hạng mục, công trình thuộc quần thể di tích lịch sử này đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó đặc biệt là tường rào, nhà làm việc của chủ lớn, nhà truyền thống, nhà ở công nhân, nhà kho, nhà máy xay ướt cà phê, trạm cân, khu y tế… đang ở trong tình trạng hoang hóa, hư hỏng nặng nề và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ban Quản lý di tích tỉnh cho hay, di tích trên được công nhận cấp quốc gia từ năm 1999 và đến năm 2013, miếu thờ những công nhân làm cà phê cho các điền chủ người Pháp trước năm 1945 đã bỏ xác tại đây mới được trùng tu lại để cho khách thập phương đến hương khói. Còn nhiều hạng mục và các yếu tố khác cấu thành di tích lịch sử đúng nghĩa, gợi lại một giai đoạn đấu tranh cách mạng hào hùng và sinh động trên vùng cao nguyên rộng lớn ấy thì không có kinh phí để thực hiện.

Rõ ràng việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng sau khi đã được công nhận, xếp hạng là vấn đề cấp thiết đặt ra. Biết rằng, các cấp chính quyền cùng các sở, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực tôn vinh một loạt di tích trên địa bàn là để tăng cường công tác bảo vệ (bảo tồn) vốn di sản ấy trước những áp lực của đời sống diễn ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu không có cơ chế ưu tiên đầu tư, tôn tạo theo thứ tự, quy mô và tính chất của từng di tích thì việc làm ấy chỉ là “nửa vời” trong mục tiêu đặt ra: Tôn vinh phải gắn liền với tôn tạo, phát huy giá trị của di tích nhằm góp phần giáo dục, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc của mỗi cộng đồng dân tộc - và hơn thế là biến vốn di sản ấy trở thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết cuối tháng 11-2018, UBND tỉnh cùng các ban, ngành liên quan đã có chương trình làm việc với Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đồn điền CADA. Theo đề nghị từ phía chính quyền địa phương, Chính phủ Pháp sẽ viện trợ không hoàn lại cho Đắk Lắk gần 530.000 USD để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đồn điền CADA theo cơ chế đồng quản lý dự án. Đây là một trong những “kênh” đầu tư quan trọng và ý nghĩa góp phần làm sống lại các di tích trên địa bàn tỉnh.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc