Multimedia Đọc Báo in

"Thách cưới" gây nhiều hệ lụy

09:24, 12/05/2019

Thời gian gần đây, tục cưới xin tốt đẹp của đồng bào Êđê, M’nông ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông đang dần mai một, thậm chí bị “biến tướng” theo chiều hướng “thách cưới”.

Theo ông Y Xá Êban (Ama Nhai), Trưởng buôn Ngô B (xã Hòa Phong) kể lại, ngày xưa khi nam nữ Êđê yêu nhau, người con gái muốn “bắt chồng” đều phải trải qua trình tự các bước gồm: thăm nhà, lễ hỏi chồng (nao nuh) và lễ đi cưới (yâu ung mỗ). Lễ vật trong lễ đi hỏi thường gồm: 1 con heo khoảng 80 kg cho mẹ chàng trai, 1 con heo khoảng 50 kg cho cha chàng trai; 8 cái vòng đồng; 1 cái chén đồng và 1 tấm đắp. Còn trong lễ cưới, nhà gái đưa lễ sang nhà trai gồm: áo, quần, tấm đắp và 1 con bò (tùy vào điều kiện của nhà gái, nếu gia đình giàu có thì có thể thêm 1 con trâu hoặc nhiều hơn).

Tuy nhiên, đời sống ngày càng hiện đại, lễ vật trong đám hỏi, đám cưới của đồng bào đã được quy đổi thành tiền mặt với giá trị ngày càng cao khiến không ít gia đình khốn khổ, gây ra nhiều hệ lụy. Như trường hợp bà Amí G. ở buôn Ngô A hoàn cảnh khó khăn, chồng mất, nuôi con một mình. Con gái “bắt chồng”, theo yêu cầu của nhà trai, gia đình bà phải đưa lễ gồm 1 con bò và 30 triệu đồng tiền mặt. Để có đủ số tiền đưa cho nhà trai, bà đã phải vay mượn 18 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng…

Nghi thức cưới của người Êđê. (Ảnh minh họa: Internet)
Nghi thức cưới của người Êđê. (Ảnh minh họa: Internet)

Tương tự là hoàn cảnh của gia đình ông Ama Q. cùng buôn. Theo yêu cầu, gia đình ông phải đưa cho nhà trai 1 con bò và 30 triệu đồng; do gia đình ông còn thiếu 10 triệu đồng, chàng rể mãi vẫn chưa chịu về nhà vợ, mặc dù con gái ông bây giờ đã có con gần 3 tuổi. Ông Ama Nh. ở buôn Cư Phiăng (xã Hòa Phong) hoàn cảnh cũng rất khó khăn, thường xuyên đau ốm, trước đây ông Ama Nh. phải vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để chữa bệnh, nuôi con ăn học và đầu tư sản xuất. Khi con gái “bắt chồng”, theo yêu cầu của nhà trai, ông Ama Nh. phải dùng 50 triệu đồng - khoản tiền mà gia đình ông dự định trả bớt cho ngân hàng - để mua sắm lễ vật mang sang nhà trai, đến nay vẫn chưa thể trả nợ.

Hoặc khi con trai lấy vợ, gia đình ông Ama H. ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong) đã yêu cầu gia đình nhà gái phải đưa lễ vật trị giá lên đến 75 triệu đồng - khoản chi phí khá lớn so với điều kiện kinh tế của người dân địa phương.

Cũng vì tình trạng “thách cưới” nêu trên, nhiều cô gái thuộc gia đình nghèo đã trở thành mẹ đơn thân, như trường hợp H.K ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong) sau hai lần “bắt chồng” sinh ra 3 đứa con đều không có cha, đành phải khai sinh cho con là con ngoài giá thú…

Thiết nghĩ, các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, các hội, đoàn thể cần tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn nét đẹp văn hóa trong tục cưới xin truyền thống, ngăn chặn tình trạng “thách cưới” đang diễn ra ở các buôn vùng sâu, vùng xa như hiện nay…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc