Multimedia Đọc Báo in

Nghề đan lát truyền thống của đồng bào Cor ở Quảng Nam

08:55, 29/06/2019

Đồng bào dân tộc Cor sinh sống tập trung tại 3 xã Trà Giác, Trà Nú và Trà Kót, huyện vùng cao Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Cùng với các loại hình văn hóa truyền thống khác, nghề đan lát của đồng bào Cor nơi đây có từ lâu đời và vẫn được gìn giữ đến ngày nay.

Mặc dù nguyên liệu dùng để đan lát đều sẵn có trong tự nhiên, xung quanh nơi đồng bào sinh sống nhưng việc chọn nguyên liệu như thế nào để tạo ra một sản phẩm đan lát đẹp, bền không dễ dàng. Phải chọn cây tre, nứa, lồ ô và giang, sợi mây chắc chắn và thường phải lấy vào ngày cuối tháng bởi đầu tháng cây hay bị mối mọt. Chọn cây tre, nứa, lồ ô và giang phải được 1 năm tuổi trở lên bởi cây non quá sẽ bị giòn, dễ gãy. Chọn những cây thẳng đều, dài, không lấy cây bị cụt ngọn, kiến đục thân. Sau khi đã chọn được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn, mang về nhà không được để quá lâu vì cây khô sẽ khó chẻ nan.

Tùy theo các vật dụng mà người đan cắt thành từng đoạn nan cho phù hợp. Ở công đoạn chẻ, chuốt nan, người đan phải có kinh nghiệm, dao vót nan không được cùn mà cũng không được sắc quá, chẻ nan mỏng hay dày là tùy thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Nan sau khi chẻ chuốt phải có độ mềm, nhẵn, đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở.

Già Đỗ Văn Thái (thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vót nan chuẩn bị đan lát.
Già Đỗ Văn Thái (thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vót nan chuẩn bị đan lát.

Nghề đan lát truyền thống của người Cor là do đàn ông đảm nhận. Họ thường tranh thủ đan lát vào lúc nông nhàn hay mùa đông giá rét. Với đôi tay tỉ mẩn, khéo léo, những người đàn ông Cor đã tạo ra nhiều loại vật dụng như: rổ đựng cơm, đồ dùng tỉa lúa, nia sẩy lúa (apứt), gùi lúa nhỏ (atró), gùi lúa lớn (ateo), gùi ba ngăn của đàn ông (xui), đến mâm dùng cúng lễ (ga rác héc)… Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp phải mất ít nhất từ 3 - 5 ngày, thậm chí có những sản phẩm mất cả tháng trời. Sau khi hoàn thiện, nếu như chưa sử dụng thì người Cor thường gác sản phẩm trên bếp để hun khói, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt.

Qua mỗi sản phẩm đan lát, người đan đều muốn thể hiện tình cảm, mang đậm dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất. Chiếc gùi nhỏ là vật dụng luôn được bé gái sử dụng vào việc bẻ măng, hái nấm mỗi khi theo mẹ, theo chị lên rẫy. Gùi lúa lớn được phụ nữ dùng khi phát nương, làm rẫy có thể chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, từ củ khoai, mớ rau mới hái trên nương đến con tôm, con cá mang về nhà phục vụ bữa ăn. Gùi ba ngăn để đàn ông Cor mang trên lưng vừa có ngăn để áo mưa, ngăn để đồ ăn thức uống rất tiện lợi mỗi khi vào rừng đặt bẫy, săn bắn thú…

Già Đỗ Văn Thái truyền nghề đan lát cho lớp trẻ trong làng.
Già Đỗ Văn Thái truyền nghề đan lát cho lớp trẻ trong làng.

Các vật dụng đan lát của người Cor không chỉ để bà con sử dụng trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất mà còn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và là vật trao đổi với các tộc người khác cùng sinh sống trong vùng lấy các con vật nuôi như: heo, gà, vịt, đến lúa, gạo và gần đây là bán. Tuy nhiên, những người biết đan lát giỏi và gắn bó với nghề đan lát ở huyện Bắc Trà My hiện nay ngày càng ít đi. Trong 3 xã Trà Giác, Trà Nú và Trà Kót thì chỉ nghề đan lát chỉ còn ở xã Trà Kót, những nghệ nhân biết đan lát cũng đều ở tuổi “xưa nay hiếm”; lớp trẻ Cor hiện nay không còn mặn mà với nghề đan lát của cha ông.

  Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.