Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai Êđê đam mê âm nhạc Lào

08:18, 07/07/2019

Không phải là nhạc sĩ, càng không phải là giáo viên đứng lớp, nhưng chàng trai người Êđê Y Nô Ly Kbuôr, Phó Bí thư Đoàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) lại được các đoàn viên, thanh thiếu nhi của Câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ Lào do anh làm trưởng nhóm, yêu mến gọi là "nai khun" (tiếng Lào: thầy).

Tham quan lớp học của Nô Ly, chúng tôi thưởng thức tiếng nhạc ngân nga trầm bổng được thể hiện bởi các “nghệ sĩ” nhí với những đôi tay uyển chuyển trên 6 loại nhạc cụ đã sờn cũ là pông lan, khèn, xèng, phin phạ, trống, sáo. Lớp học có hơn 20 em trong độ tuổi 10 - 27, ngoài những em người Lào còn có cả Êđê, M’nông. Y Thuyết, một thành viên của lớp học cho hay, em theo học lớp nhạc được hơn một năm, được nai khun Y Nô Ly hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình nên hiện nay đã chơi được tất cả các nhạc cụ, dẫu chưa giống nguyên bản bên nước Lào.

Một cán bộ xã Krông Na cho biết, CLB nhạc cụ Lào là tên, còn mọi người vẫn hay gọi là "lớp học của Y Nô Ly Kbuôr". Không chỉ là cán bộ đoàn năng nổ mà 5 năm qua Y Nô Ly vẫn kiên trì gìn giữ tình yêu với nghệ thuật âm nhạc dân tộc Lào để truyền lại cho các bạn trẻ với mong muốn “món ăn tinh thần” này không bị mai một.

          Y Nô Ly Kbuôr bên những nhạc cụ của Lào.
Y Nô Ly Kbuôr bên những nhạc cụ của Lào.

Trò chuyện với Y Nô Ly mới biết, cái "duyên" tiếp xúc với âm nhạc dân tộc Lào đến một cách tình cờ, rồi không biết từ khi nào lại trở nên gắn bó với cuộc sống của chính mình. Anh kể, từ nhỏ được ông của mình dạy đánh cồng chiêng và tham gia nhiều sinh hoạt văn hóa cồng chiêng nên phần nào anh hiểu được giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2015, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh đưa hai giảng viên (gốc Lào) chuyên ngành âm nhạc dân gian Lào về xã Krông Na tổ chức lớp dạy nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, các điệu múa...

Như một sự thôi thúc, Y Nô Ly là đăng ký tham gia trong lớp học chỉ có 5 người. Càng học, Y Nô Ly càng tỏ rõ sự đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Lúc đầu, để học một bài, Y Nô Ly mất gần 3 giờ đồng hồ do không hiểu ngôn ngữ, chữ viết Lào. Thế nhưng sau 2 ngày tự mày mò tìm hiểu, Y Nô Ly tiến bộ vượt bậc và có thể đánh được một bài dân ca Lào trong 10 - 15 phút. Nhận ra năng khiếu của cậu học trò, các giảng viên đã tạo điều kiện cho Y Nô Ly thử sức với tất cả các loại nhạc cụ mà họ mang theo. Kết thúc khóa học hơn 2 tuần, các giảng viên đã tặng lại 6 nhạc cụ dân tộc Lào cho UBND xã Krông Na để tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa cho cộng đồng người Lào ở đây.

CLB Nhạc cụ Lào của Y Nô Ly Kbuôr biểu diễn tại Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Buôn Đôn lần thứ V.
CLB Nhạc cụ Lào của Y Nô Ly Kbuôr biểu diễn tại Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Buôn Đôn lần thứ V.

Từ kết quả của lớp dạy nhạc cụ dân tộc Lào, Y Nô Ly tham mưu cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Krông Na thành lập CLB nhạc cụ Lào với 8 thành viên do chính anh làm chủ nhiệm. Ngoài chơi nhạc cụ, CLB còn thành lập được đội múa lăm vông với 5 thành viên. Để mọi người biết đến CLB nhạc cụ Lào, ngoài biểu diễn ở các sự kiện của huyện, tỉnh, Nô Ly còn làm “đạo diễn” để CLB có những sản phẩm clip âm nhạc, được thực hiện bằng điện thoại rồi đăng lên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo...

Để tìm kinh phí hoạt động cho CLB, ngoài sự hỗ trợ từ UBND xã, Y Nô Ly đã liên hệ với các đơn vị du lịch đứng chân trên địa bàn để phục vụ cho du khách; đồng thời nhận biểu diễn trong các đám cưới, tiệc... của những gia đình người Lào, tạo động lực nhỏ giúp các thành viên thêm phấn khởi.

Trong khi nhiều bạn trẻ cùng trang lứa khác đang miệt mài với những thú vui giải trí hiện đại, thì Y Nô Ly Kbuôr đã tìm được niềm đam mê của riêng trong âm nhạc truyền thống. Điều đáng nói là anh đã sử dụng nó một cách hiệu quả để tập hợp thanh, thiếu nhi tham gia phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.