Nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm ở Ea Hồ
Xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) có 19 thôn, buôn; trong đó có 12 buôn đồng bào Êđê. Tuy có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở đây đang có nguy cơ mai một khi người biết dệt và giữ nghề không còn nhiều.
Trước đây, tại các buôn đều có hàng chục phụ nữ thường xuyên dệt vải để may quần áo, làm các vật dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng đến nay, số người còn gắn bó với nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như ở buôn Hồ B, hiện cả buôn chỉ còn 2 người biết dệt thổ cẩm nhưng cũng đã nghỉ dệt vải vài năm nay vì sức khỏe yếu. Bà H’Bap Niê là một trong số đó, năm nay bà đã bước sang tuổi 80. Ngay từ khi còn nhỏ bà đã được mẹ truyền dạy cách dệt vải thổ cẩm, đến năm 15 tuổi bà đã có thể dệt thành thạo. Hầu hết các bộ váy áo của người thân và vật dụng trong gia đình như khăn trải bàn, túi xách, khăn choàng… đều một tay bà dệt nên. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà lại ngồi bên khung cửi hàng giờ để dệt vải.
Những tấm vải thổ cẩm do bà H’Bap Niê tự tay dệt. |
Ngoài việc làm để phục vụ nhu cầu của gia đình thì bà cũng nhận dệt khi có khách đến nhà đặt hàng. 65 năm gắn bó với khung cửi nên dệt thổ cẩm dường như đã trở thành thói quen của bà H’Bap, nhưng do sức khỏe yếu, không còn ngồi được lâu như trước, mắt lại kém nên hơn một năm nay bà đành phải nghỉ dệt.
Lục lại chiếc khung cửi đã được xếp gọn trong kho cùng với những tấm vải thổ cẩm giữ làm kỷ niệm, bà H’Bap tâm sự: “Ở buôn này, ngoài già ra thì vẫn còn một phụ nữ biết dệt vải nữa là bà H’Bứt Mlô, nhưng cũng đã nghỉ dệt được chục năm nay. Giờ người trẻ không còn ai theo nghề dệt cả. Già có 2 đứa con gái, cũng mong muốn truyền nghề truyền thống của dân tộc mình lại cho chúng nó nhưng không đứa nào chịu học vì cho rằng tốn thời gian, thu nhập lại chẳng được bao nhiêu”.
Bà H’Bring Niê (buôn Giêr) miệt mài bên khung cửi. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ H’Phi La Niê
|
Còn ở buôn Giêr, chỉ còn duy nhất bà H’Bring Niê là còn giữ nghề dệt thổ cẩm. Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng hằng ngày bà vẫn say sưa bên khung cửi để dệt nên những tấm vải mà mình yêu thích. Trước đây, hằng ngày bà đều bận rộn với công việc nương rẫy nên chỉ tranh thủ dệt được những lúc sáng sớm và buổi tối.
Nay khi đã già, không còn đủ sức lao động thì bà dành trọn thời gian cho việc dệt. Những tấm vải được bà dệt một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết. Không chỉ dệt, thêu những nét hoa văn truyền thống, bà còn có nhiều sáng tạo, cách tân trong những sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp với phong cách hiện đại mà không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc. Do sản phẩm làm ra đẹp với hoa văn, màu sắc tinh xảo nên nhiều người mang chỉ tìm đến nhà nhờ bà dệt vải để may đồ. Nhờ vậy, đều đặn mỗi tháng bà cũng nhận được từ 2 - 3 đơn đặt hàng.
Theo bà H’Bring, để làm ra được sản phẩm thổ cẩm đẹp phải tốn rất nhiều thời gian, công sức nên đòi hỏi người dệt phải kiên trì. Như dệt một tấm vải đủ để may một bộ quần áo, nếu dệt nhanh thì nửa tháng đôi khi cả tháng, nhưng tiền công nhận lại chỉ khoảng 200.000 đồng/tấm. Tính ra ngày công thì quá ít ỏi, nhưng vì đam mê, muốn giữ nghề của dân tộc mình nên bà vẫn làm.
Được biết, các buôn ở xã Ea Hồ giờ chỉ còn rất ít người biết dệt thổ cẩm, nhưng đều là phụ nữ đã lớn tuổi nên không còn dệt thường xuyên, chỉ khi có việc cần thì họ mới dệt. Do nhu cầu sử dụng đồ làm từ vải thổ cẩm của người dân ngày càng ít, đặc biệt thế hệ trẻ chỉ ưa chuộng thời trang hiện đại, do đó sản phẩm làm ra không bán được nên chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề. Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm bị mai một, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần sớm có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân duy trì và phát triển nghề truyền thống, góp phần lưu giữ được nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc