Multimedia Đọc Báo in

Thêm cơ hội sáng tạo cho các họa sĩ trẻ

07:53, 18/08/2019

Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức thường niên tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Có thể nói đây là “sân chơi” bổ ích cho nhiều họa sĩ trẻ, là nơi họ dần thể nghiệm các hình thức sáng tạo nghệ thuật đương đại mới mẻ và qua đó ngày càng khẳng định được mình trong đời sống mỹ thuật cả nước.

Những yếu tố mới

Năm 2019, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 24 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút 233 họa sĩ từ 9 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk) tham gia. Ban tổ chức và Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 162/214 tác phẩm tiêu biểu để giới thiệu tại triển lãm, phục vụ công chúng yêu mỹ thuật trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Theo đánh giá của họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, những tác phẩm được xét chọn giới thiệu đều có chất lượng cao về nội dung phản ánh, lẫn hình thức thể hiện. Đặc biệt là số họa sĩ trẻ (chưa phải là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã có những nỗ lực sáng tạo đáng ghi nhận trong địa hạt nghệ thuật này. Ngoài hội họa, điêu khắc ra thì nhiều tác giả trẻ phản ánh đời sống đương đại một cách sống động, chân thực và gần gũi hơn. Thế mạnh này đang thuộc về các họa sĩ trẻ và tác phẩm của họ được đánh giá cao qua các kỳ triển lãm gần đây.

Công chúng yêu mỹ thuật đến thưởng lãm tranh tại Triển lãm.
Công chúng yêu mỹ thuật đến thưởng lãm tranh tại Triển lãm.
 

“Hạnh phúc hơn khi có “gương mặt thứ ba” là công chúng tham gia tranh luận, phản biện, mua bán và quan trọng nhất là họ đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải làm gì, đi theo hướng nào để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm mỹ thuật trong đời sống hiện nay. Từ đó từng bước tạo lập thị trường đúng nghĩa cho bộ môn nghệ thuật vốn khắt khe cho khu vực này”.


 
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng (Đà Nẵng)

Nói thêm về điều này, họa sĩ Trần Khánh Chương đánh giá: Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 24, năm 2019 có số lượng họa sĩ trẻ tham gia nhiều hơn, khoảng gần 100/233 tác giả và tác phẩm của họ gửi tham dự cũng rất phong phú, đa dạng về đề tài cũng như hình thức, chất liệu thể hiện. Trong đó các tác phẩm được sáng tạo từ chuyên ngành đồ họa, mỹ thuật ứng dụng đã trở nên phổ biến hơn.

Một số tỉnh, thành đã xuất hiện không ít họa sĩ trẻ định hình rõ nét với phong cách này. Tiêu biểu như họa sĩ Thanh Bình, Nguyễn Tiến Việt (Đà Nẵng) với tác phẩm “Sóng rác” và “Phận”; Nguyễn Văn Ân, Trần Thị Trạch Oanh (Quảng Nam) với “Tuổi thơ và Hội Bài chòi”, “Hoa từ lòng đất 5”;  Bùi Nam (Quảng Ngãi) với “Tích xưa”; Bùi An Đông (Kon Tum) với “Điệu xoang”; Lê Sĩ Soái, Nguyễn Nam (Gia Lai) với “Những nấc thang” và “Mẹ”; Nguyễn Thu Vân, Trần Thị Đào (Đắk Lắk) với “Ngạt” và “Chân dung Bác”…

Những tác phẩm tiêu biểu này được các họa sĩ trẻ thể hiện dưới góc nhìn hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống, tạo cảm giác mạnh đối với người xem bằng các chất liệu mới và gần gũi như sắt, gốm, khắc gỗ, gò kim loại, đá và thậm chí là cả hạt cà phê.

Ưu tư cũ

Được coi là “sân chơi” cho giới họa sĩ trong khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, nhưng triển lãm trên chỉ là cơ hội ngắn ngủi để cho những người đam mê mỹ thuật gặp nhau trao đổi và chia sẻ. Sau đó thì nói như họa sĩ Hồ Hậu - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Đắk Lắk, rằng đường ai nấy đi và việc ai nấy làm!

Nhiều tác phẩm là đứa con tinh thần của không ít họa sĩ từng “mang nặng đẻ đau” có khi phải xếp lại trong kho hay xưởng vẽ, công chúng không còn biết đến nữa. Vì sao? Hầu hết các họa sĩ ở đây như Lê Nguyên Chính (Quảng Nam), Phạm Văn Thu (Quảng Ngãi), Lê Thăng Long (Phú Yên) hay Phùng Văn (Gia Lai)… đều cho rằng, đời sống mỹ thuật ở các địa phương (trừ TP. Đà Nẵng) lâu nay vốn trầm lắng vì thiếu tụ điểm để  giao lưu, gặp gỡ và trưng bày tác phẩm; hoạt động quảng bá, giới thiệu và triển lãm tranh ít được tổ chức; theo đó hệ thống gallery cùng đội ngũ giám tuyển hội họa lại càng không có, khiến giới cầm cọ khó theo đuổi và sống được với nghề, nhất là các họa sĩ trẻ mới nhập môn. Vì thế việc tạo ra đội ngũ tiếp nối và kế thừa trong lĩnh vực mỹ thuật tại các tỉnh lẻ trở nên nan giải, khó khăn. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cùng đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.

Trong hoàn cảnh và điều kiện như vậy, một số họa sĩ thành danh cũng như người mới bước vào sân chơi này phải tự thân tìm cách “thắp lửa” đam mê cho mình bằng nhiều cách - hoặc là gửi tác phẩm đến các gallery nổi tiếng ở các thành phố lớn nhờ bán, hoặc là dăm ba người kết hợp mở tụ điểm để vừa kinh doanh dịch vụ văn hóa, vừa giới thiệu tác phẩm đến với công chúng yêu mỹ thuật để kiếm sống, thậm chí thông qua mạng xã hội, công nghệ thông tin để kết nối với nhóm họa sĩ ở một số trung tâm có đời sống mỹ thuật sôi động trong và ngoài nước để nắm bắt nhu cầu sáng tác, quảng bá và giới thiệu “đứa con tinh thần” của mình đến với những đối tác yêu thích.  

Họa sĩ Hồ Hậu cũng như nhiều họa sĩ khác tâm sự: Có thể cách làm không chuyên nghiệp ấy là để đắp đổi qua ngày đối với giới mỹ thuật ở các tỉnh nghèo trong khu vực. Nhưng dù sao có được con đường ra với công chúng như thế vẫn còn hơn trong tình cảnh sáng tác xong, rồi cất đi vĩnh viễn đã từng xảy ra với không ít họa sĩ ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên lâu nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.