Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn hóa cộng đồng trong đời sống nông thôn mới

09:12, 29/09/2019

Thực tế cho thấy nơi nào Nhà văn hóa cộng đồng được gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, không còn tình trạng “cửa đóng then cài” suốt nhiều năm, dẫn đến hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Tìm hướng đi phù hợp

Ngày 26-4-2019, UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng, trong đó, điều đáng lưu ý nhất là gắn Nhà văn hóa cộng đồng với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, hướng đi này đã mở ra chặng đường mới cho Nhà văn hóa cộng đồng tại nhiều địa phương “hồi sinh” nhờ nguồn lực đầu tư thích đáng của cộng đồng và xã hội. 

Lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào buôn Treng, xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo) .  Ảnh: H. Gia
Lễ cúng mừng lúa mới của đồng bào buôn Treng, xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo). Ảnh: H. Gia

Bà Nhữ Thị Lệ, Trưởng Phòng VH-TT thị xã Buôn Hồ cho rằng, một khi Nhà văn hóa cộng đồng được đưa vào nội dung Chương trình nông thôn mới và xem đó như tiêu chí bắt buộc phải thực hiện thì vấn đề kinh phí để vận hành thiết chế văn hóa này căn bản được giải quyết. Trước đây, do không bố trí được kinh phí nên Nhà văn hóa cộng đồng ở nhiều nơi chỉ có phần vỏ, còn phần ruột hầu hết chẳng có gì; các địa phương không thể xây dựng được khung điều hành Nhà văn hóa cộng đồng một cách hiệu quả, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Nhận thức rõ điều đó, chính quyền thị xã Buôn Hồ đã cố gắng trích nguồn ngân sách phụ cấp cho Ban chủ nhiệm 6 Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Tuy số tiền không nhiều, chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng, nhưng đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của người trong cuộc.

 
“Thành viên Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa cộng đồng (không quá 3 người) được nhân dân bầu chọn từ hạt nhân tiêu biểu trong các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể ở thôn, buôn theo Pháp lệnh số 43/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và được UBND cấp xã ban hành quyết định công nhận. Nhà văn hóa cộng đồng được sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách huyện, xã hỗ trợ, ưu tiên nguồn kinh phí bố trí cho nông thôn mới”.
 
 (Trích Quy chế tổ chức và hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng được UBND tỉnh ban hành ngày 26-4-2019)

Amí Lil, Phó buôn Tring 1 (phường An Lạc) chia sẻ: Một công trình xây dựng để phục vụ việc chung thì phải có người quản lý, trông nom với cơ chế rõ ràng mới mong phát huy được. Những năm qua, cơ chế đó (kinh phí hỗ trợ, phụ cấp) được áp dụng tại đây nên Nhà văn hóa cộng đồng của tất cả các buôn đã phát huy hiệu quả.

Ngôi nhà chung ấy, không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt đoàn thể, đón tiếp khách… mà còn là địa chỉ văn hóa nổi bật thu hút mọi người dân đến vui chơi, giải trí bổ ích thông qua nhiều hoạt động như trình diễn văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm do Ban chủ nhiệm chủ động lên kế hoạch hằng tháng.

Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tring 1 là điểm nhấn của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong nhiều năm qua. Hơn 140 hộ gia đình trong buôn xem đó như một công trình phúc lợi có ý nghĩa và tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc để cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng nhằm phục vụ đời sống của mình.

Đến nay, Quy chế tổ chức và hoạt động của thiết chế văn hóa này được UBND tỉnh ban hành, trong đó có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới mẻ, phù hợp với thực tiễn hơn theo hướng gắn kết với xây dựng nông thôn mới sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương vận dụng linh hoạt để sử dụng và phát huy tính năng ngôi nhà chung này như một yếu tố vật chất và tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của cộng đồng dân cư. 

Việc phải làm

Quy chế đã được ban hành, theo đó cơ chế tổ chức, hoạt động cho Nhà văn hóa cộng đồng cũng đã rõ ràng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND  tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, việc phải làm trước mắt là chính quyền các cấp cùng các ban, ngành chức năng nhanh chóng rà soát, thống kê số Nhà văn hóa cộng đồng bị hư hỏng, xuống cấp để có kế hoạch và phương án tu bổ, sửa chữa; tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, vận động xã hội hóa các hoạt động đối với tất cả 585 Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã và thành phố sớm xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư kinh phí, phương tiện, nhân lực cho thiết chế văn hóa này hoạt động theo nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới được các địa phương đăng ký thực hiện.

Nhà văn hóa cộng đồng buôn H'Ngô A (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) được sử dụng hiệu quả  với nhiều công năng phục vụ cộng đồng.
Nhà văn hóa cộng đồng buôn H'Ngô A (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) được sử dụng hiệu quả với nhiều công năng phục vụ cộng đồng.

Theo đó, nhiều ý kiến gợi mở thêm cho vấn đề này là nên chú trọng, mở rộng vai trò tự quản của buôn làng trong việc sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng hiện nay song song với nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Ngọc Muộn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Krông Năng đánh giá: Đây là hướng đi phù hợp, bởi nó vừa tăng cường chủ thể quản lý nhà nước về văn hóa, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội cho người dân, cộng đồng tham gia xây dựng, hoạch định và quản lý đời sống văn hóa của mình thông qua cơ chế tự quản ngay tại buôn làng. Nói cách khác là phải đổi mới về cơ chế quản lý đối với Nhà văn hóa cộng đồng theo mô hình Nhà nước - cộng đồng - tổ chức - cá nhân cùng tham gia, từ việc xây dựng, thiết kế chương trình hoạt động thường kỳ, chọn lựa và bồi dưỡng nguồn nhân lực… cho đến tìm kiếm, hỗ trợ nguồn tài chính cho mọi hoạt động tại Nhà văn hóa cộng đồng.

     Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.