Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân ưu tú của buôn làng

09:08, 17/11/2019

Nghệ nhân Y Blih Adrơng (buôn M’lớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đã gần 80 tuổi nhưng đôi tay vẫn còn nhanh nhẹn và đôi mắt tinh tường. Dù chưa học nhạc qua một trường lớp nào, nhưng ông thành thục việc chế tác nhạc cụ truyền thống.

Từ khi 13 tuổi ông Y Blih đã mày mò học và biết chơi những nhạc cụ truyền thống của dân tộc như Chiêng kram, Đing năm, Đing puốt, đàn Gông; Tak-ta…; khi đã sử dụng thành thục ông lại mày mò chế tác. Ban đầu, ông nghe các cụ già chơi nhạc cụ một cách kỹ lưỡng, sau đó nghiên cứu từng đặc điểm, âm thanh, cấu tạo của mỗi loại rồi mới bắt tay làm. Sản phẩm hoàn thành, ông đều đem đến cho những nghệ nhân lớn tuổi trong buôn thẩm âm; càng ngày những nhạc cụ càng chuẩn âm và thời gian làm càng nhanh hơn. Nếu có sẵn nguyên vật liệu thì mỗi ngày ông có thể chế tác xong được một chiếc Đing năm; với các loại nhạc cụ đơn giản như Đing puốt, Tak- ta thì chỉ khoảng nửa ngày.

Nghệ nhân Y Blih Adrơng  (thứ hai từ trái sang) đang hướng dẫn cháu chơi nhạc cụ.
Nghệ nhân Y Blih Adrơng (thứ hai từ trái sang) đang hướng dẫn cháu chơi nhạc cụ.

Năm 2019 nghệ nhân Y Blih Adrơng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân ưu tú” vì “Đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc”.

Ông Y Blih tâm sự: “Cả một đời tôi gắn bó với âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc Êđê, tôi mong ước loại hình nghệ thuật này sẽ mãi được nối dài ngân vang giữa đại ngàn, sống mãi với thời gian”. Để thực hiện ước mong ấy, ông đã vận động những thanh thiếu niên trong buôn học chế tác nhạc cụ dân tộc với hy vọng sẽ có thế hệ trẻ kế thừa vốn truyền thống này. Bất kỳ ai muốn học, ông đều nhiệt tình chỉ bảo, ân cần hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn làm nhạc cụ; từ cách chọn nguyên liệu, cách vót tre đến kích thước, tính chất âm thanh…

Tuy nhiên, sau một thời gian dạy cho các con cháu trong buôn thấy không đạt hiệu quả như mong muốn, các em không thiết tha với những nhạc cụ truyền thống, ông nghiệm ra rằng, để chế tác được nhạc cụ thì phải biết chơi nhạc, phải có niềm đam mê với âm nhạc mới thổi hồn vào nhạc cụ được. Thế là ông Y Blih quyết tâm khơi gợi lại tình yêu này cho lớp trẻ bằng cách gắn âm nhạc truyền thống với các sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày. Trong các chương trình hội họp, ngày lễ, hội… của buôn, của xã ông đều tham gia biểu diễn; sau đó thuyết phục các con, cháu học chơi các loại nhạc cụ.

Ban đầu chỉ có vài em tham gia, nhưng sau nhờ sự khích lệ của người già trong buôn cùng với sự say mê đã được khơi gợi, số lượng thanh thiếu niên tham gia theo học ngày càng đông. Em Y Đạt Byă (buôn M’lớt, xã Ea Bông) cho biết: “Những ngày nghỉ học cháu thường đến nhà ông để học đánh chiêng và chế tác các nhạc cụ. Học cái nào cũng khó, nhưng nhờ sự chỉ bảo ân cần của ông mà nay cháu đã có thể làm được những nhạc cụ đơn giản và chơi được một số bài chiêng. Cháu sẽ cố gắng học nhiều hơn nữa để nối tiếp ước mơ của ông”.

Nghệ nhân Y Blih Adrơng hướng dẫn các cháu thiếu nhi chơi nhạc cụ.
Nghệ nhân Y Blih Adrơng hướng dẫn các cháu thiếu nhi chơi nhạc cụ.

Năm 2009, đội chiêng trẻ buôn M’lớt được thành lập và ông Y Blih là người trực tiếp truyền dạy; qua nhiều năm duy trì hiện nay trong buôn đã có nhiều thế hệ, nhiều người biết đánh chiêng và sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Đội chiêng trẻ cũng thường xuyên tham gia các chương trình lễ hội, hội diễn ở buôn, xã, huyện; các hội thi, hội diễn ở trong và ngoài tỉnh, mang về nhiều giải thưởng. Thấy các cháu say mê và gắn bó với nhạc cụ truyền thống, ông Y Blih coi đó chính là phần thưởng lớn nhất của mình.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.