Nguy cơ vắng bóng voi nhà (Kỳ 1)
Voi là biểu tượng đặc trưng của vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây từ lâu đã trở thành vốn văn hóa đặc sắc của các tộc người bản địa. Giờ đây biểu tượng ấy đang đứng trước nguy cơ bị "xóa" do đàn voi ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Kỳ 1: Voi Buôn Đôn nức tiếng một thời
Vùng đất Buôn Đôn có con sông Sêrêpốk chảy qua theo hướng Tây và nhập vào dòng Mê Kông huyền thoại tại ngã ba Stung Treng - Campuchia, sau đó vượt qua bao dặm dài trên lãnh thổ của ba nước Đông Dương để đổ vào biển Tây (Nam Bộ) rộng lớn. Chính yếu tố địa lý ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trong vùng, trong đó có người Lào giao thương với các tộc người M’nông, Êđê, Jarai ở Buôn Đôn thông qua con sông Sêrêpốk từ hàng trăm năm trước.
Chợ voi một thời nhộn nhịp
Trong tập chuyên khảo về Đắk Lắk (Mounographie de la Province du Darlac), xuất bản vào năm 1930, học giả A. Monfelleur đã mô tả sự giao thương kinh tế, văn hóa của các tộc người này hết sức sinh động, đặc biệt là đời sống săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi rừng ở Buôn Đôn diễn ra nhộn nhịp, tấp nập vào những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Voi ở huyện Lắk chủ yếu được sử dụng vào hoạt động du lịch. |
Tập chuyên khảo giá trị trên cho thấy người Lào trước khi đến sinh cơ lập nghiệp ở đây, họ là những thương hồ từ vùng Đông Nam Lào xuống buôn bán, trao đổi lâm thổ sản với các sắc dân tại chỗ. Con đường cũng như phương tiện giao thương buổi ấy chủ yếu là thuyền và voi theo dòng Sêrêpốk tập kết đến Buôn Đôn, sau đó tỏa đi khắp nơi trên cao nguyên Đắk Lắk và những vùng lân cận. Voi trong bối cảnh rừng già mênh mông và còn nguyên vẹn lúc ấy, được xem như những “container” vận chuyển hàng hóa hữu hiệu, phục vụ cho việc giao thương hai chiều giữa các tộc người thuộc các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia thêm sôi động.
Nhận thấy vai trò quan trọng của voi trong đời sống như vậy, nên một số nhóm thương hồ người Lào đã nhanh nhạy nhận ra Buôn Đôn là vùng đất nhiều voi và có thể săn bắt, thuần dưỡng chúng để phục vụ cho mình - và hơn thế là để cung cấp, bổ sung voi thường xuyên cho xứ sở được mệnh danh là “triệu voi” cũng như những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Myanma và cả Malaysia…nhằm mở rộng thị trường, quy mô làm ăn và gia tăng lợi nhuận. Thế là họ định cư ở đây để cùng với người M’nông, Êđê, Jarai săn bắt, thuần dưỡng và buôn bán voi ngay bên dòng Sêrêpốk.
Năm 1899, Buôn Đôn được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định chọn làm Trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk. Hoạt động săn bắt, thuần dưỡng và trao đổi, buôn bán voi là nét nổi bật nhất của vùng đất này. |
Vào những thập niên 50 - 70 của thế kỷ XIX, Buôn Đôn trở thành trung tâm trao đổi thương mại, buôn bán voi lớn nhất Đông Nam Á. Theo khảo tả của A. Monfelleur, hằng ngày có hàng chục con voi được các nhóm thương hồ trong vùng thay nhau đưa đi cung cấp cho nhiều quốc gia trong khu vực. Cũng do nhu cầu nhiều và ngày càng tăng nên hầu hết gia đình người dân tộc thiểu số ở đây đều biết săn bắt, thuần dưỡng voi và coi đó như một sinh kế hàng đầu. Ngoài người Lào ra, từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 70 của thế kỷ 20, ở Buôn Đôn đã hình thành những gia tộc danh giá với nghề này, gắn với nhiều tên tuổi như Y Thu Knul (được Vua Xiêm phong tặng danh hiệu Khunjunop - Vua săn voi), Y Prông Êban, Y Soát Byă… là những guru (dũng sĩ) lừng danh với chiến tích trong đời đã từng săn bắt và thuần dưỡng từ 100 - 280 con voi rừng, góp phần làm nên những huyền thoại cho vùng đất giàu bản sắc này.
Du lịch voi Buôn Đôn là sản phẩm hấp dẫn du khách. |
Đàn voi suy giảm nhanh chóng
Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, cùng với sự giảm sút nhanh chóng của đàn voi rừng ở Đắk Lắk, thì đàn voi nhà trên địa bàn Buôn Đôn và Lắk chỉ còn 45 cá thể. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đánh giá: Đây là thực trạng đáng báo động, bởi con số này trong giai đoạn 1975 - 1978 là trên 250 con, sau đó từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con và trong những năm tiếp theo, số lượng đàn voi nhà ở đây giảm dần với tốc độ đáng kinh ngạc.
Nguyên nhân một phần là vì không được bổ sung từ đàn voi rừng hằng năm do Nhà nước nghiêm cấm săn bắt loài động vật này từ những năm 1997; phần do công tác quản lý, giám sát không tốt, thậm chí còn buông lỏng nên để xảy ra vấn nạn xâm hại voi bất hợp pháp tồn tại trong từng gia đình và cả cộng đồng sở hữu đàn voi.
Thêm vào đó, vấn đề đáng quan ngại nhất vẫn là tình trạng khai thác voi một cách bất chấp, vô tội vạ của chủ voi lẫn người sử dụng voi trong hoạt động du lịch hiện nay. Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đàn voi nhà được sử dụng, khai thác trong lĩnh vực này từ lâu đã vượt ra khỏi sự kiểm soát, quản lý của cơ quan có trách nhiệm cũng như tình cảm, nhận thức về “văn hóa voi” của chính cộng đồng cư dân sở hữu nó.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Nước mắt voi đã chảy
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc