Đến thăm Đền Đô
Đến thăm Đền Đô – nơi thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi không chỉ được khám phá một địa điểm du lịch thú vị, mà còn được hiểu thêm về lịch sử của dân tộc mình.
Trong không khí trang nghiêm, lời thuyết minh mạch lạc, trầm bổng của hướng dẫn viên như đang dựng lại trước mắt chúng tôi một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Theo sử sách, Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ XI trên nền đất mà khi xưa dân làng Đình Bảng xây dựng ngôi nhà làm nơi nghênh tiếp vua Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) trở lại thăm quê hương sau khi đăng quang.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa thành nơi thờ tự vua cha. Từ đó ngôi nhà này trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà là Lý Công Uẩn, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.
Trải qua nhiều triều đại và ảnh hưởng bởi chiến tranh tàn phá, Đền Đô đã nhiều lần được tu sửa và mở rộng, đến nay nơi này không chỉ sở hữu những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của triều đại nhà Lý nói riêng và văn hóa lịch sử dân tộc nói chung mà còn sở hữu kiến trúc cung đình dân gian độc đáo trong một tổng thể cảnh trí hữu tình, hài hòa với thiên nhiên rộng hơn 31.250 m2 gồm 21 hạng mục công trình ở 2 khu vực ngoại thành và nội thành.
Cổng Ngũ Long Môn dẫn vào chính điện ở Đền Đô. |
Cổng vào nội thành Đền Đô gọi là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng có chạm khắc hình năm con rồng. Mỗi khi cánh cổng mở ra sẽ như hình dáng con rồng bay lên cao. Bước qua Ngũ Long Môn, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là khu chính điện nghi ngút khói hương. Chính điện gồm Phương đình (hay còn gọi là nhà vuông) rộng 70 m² với thiết kế 8 mái, 3 gian.
Tiếp đến là nhà Tiền tế - nơi có điện thờ vua Lý Thái Tổ. Phía bên trái điện thờ có treo tấm bảng ghi lại "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ khi ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội) để củng cố triều chính và chăm lo cho đời sống nhân dân. Phía bên phải điện thờ treo tấm bảng ghi bài thơ nổi tiếng "Nam quốc sơn hà”.
Sau cùng là Cổ Pháp điện với thiết kế 7 gian rộng 180 m² là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Nằm phía trước chính điện là sân rồng, nơi để du khách thực hiện lễ dâng hương tưởng niệm các vị vua. Vì Đền Đô thờ 8 vị vua nên sân rồng có 8 ô đá theo chiều ngang, mỗi ô đá có 1 mặt vuông ở phía dưới tượng trưng cho đất và 1 mặt tròn ở phía trên tượng trưng cho trời, đây là biểu hiện sự giao hòa giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay.
Rời khỏi nội thành, chúng tôi thăm quan khu ngoại thành với Thủy đình, Nhà chủ tế, Nhà kho, Nhà khách và Đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng). Song có lẽ ấn tượng nhất là Thủy đình, bởi Thủy đình được dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian được thiết kế chạm khắc tinh xảo với gỗ lim và có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong nằm giữa hồ, nối với bờ bằng một chiếc cầu đá. Tương truyền đây từng là nơi để các chức sắc họp bàn chính sự. Còn ngày nay, nơi này được xem là nơi du khách dừng chân chiêm ngưỡng toàn bộ phong cảnh cổ xưa, thanh bình của Đền Đô.
Tham quan Đền Đô, chúng tôi còn được thưởng lãm cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam. Với chiều cao 3,5 mét và rộng hơn 8 mét, bức chiếu thư ấy được ghép lại từ 214 chữ Hán ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Ngoài ra, ở phía Đông của đền còn có nhà bia, nơi đặt Cổ Pháp Điện Tạo Bi. Tấm bia đá này được khắc dựng năm 1605, do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn văn bia, ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại Đền Đô và ghi công đức của các vị vua triều Lý… Tất cả càng tô đậm hơn bề dày lịch sử dân tộc mà mỗi con lạc cháu hồng đều cần ghi nhớ.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc