Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ vắng bóng voi nhà (Kỳ cuối)

09:22, 03/12/2019

[links(left)]

Kỳ cuối: Thông điệp nào cho vấn đề bảo tồn voi nhà Đắk Lắk? 

Bảo tồn và phát triển đàn voi nhà Đắk Lắk là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với chính quyền địa phương. Tuy đã có chương trình (dự án) cấp Nhà nước về vấn đề này, song đến nay vẫn chưa có thông điệp rõ ràng nào có thể tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực trong toàn xã hội, nhất là các cộng đồng sở hữu đàn voi hiện có.

Khách du lịch vẫn thích cưỡi voi và các đơn vị kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” lẫn chủ voi ở đây sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ấy, bất chấp khuyến cáo từ các tổ chức, cơ quan chức năng khiến yêu cầu, mục tiêu trên khó lòng thực hiện. Nhiều người cho rằng, voi còn tham gia làm du lịch trong tình trạng không ai quản lý, kiểm soát nổi sẽ còn chết nữa và chết nhanh hơn.

Tâm tư người trong cuộc

Voi chết, nguồn sinh kế không còn, những chủ voi ở Buôn Đôn và Lắk có lúc biện minh do nó già quá rồi, không sống thêm được nữa… Nghe vậy, không ít già làng tâm huyết và có hiểu biết về tập tính đời sống của loài vật này như ông Y Sưm Byă (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) không đồng tình: “Voi mới hơn 40 tuổi mà già à... Lũ làng bây giờ đi voi như đi xe máy, đụng việc gì cũng voi - kéo gỗ, chở khách, lễ hội… đều đem sức voi ra để kiếm tiền nên voi mới chết sớm đấy!".

Cúng voi sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững nếu các đơn vị làm du lịch tổ chức, khai thác tốt.
Cúng voi sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo và bền vững nếu các đơn vị làm du lịch tổ chức, khai thác tốt.

Theo luật tục, phải xem voi như thành viên trong cộng đồng, thường xuyên cho voi nghỉ ngơi trong rừng. Những khi voi chảy nước mắt là lúc có biểu hiện của bệnh tật thì phải để voi trong rừng cả tháng, thậm chí cả năm để nó tự tìm thuốc chữa bệnh. Nếu voi chết thì nhất thiết phải làm lễ cúng kể công trạng và bày tỏ tình cảm với voi. Qua nhiều lần cúng cho những con voi nằm xuống, những tưởng với cử chỉ (hay nói đúng hơn là thực hành văn hóa) hết sức sâu sắc và nhân văn đó thì cả cộng đồng tỉnh ra, thương và đối xử với voi  tốt hơn như luật tục bao đời đã định. Vậy mà không ai nghe các già làng khuyên bảo cả, voi cứ được sử dụng cả ngày lẫn đêm mới ra nông nỗi ấy - Ama Y Thên cũng như già Y Sưm tỏ ra trắc ẩn và đầy tâm tư.

Những người trong cuộc còn nhức nhối thêm khi nhận thấy voi ở Buôn Đôn cũng như huyện Lắk không chỉ bị “bóc lột” quá sức và tàn tệ trong hoạt động du lịch cũng như trong các công việc khác, mà còn bị xâm hại ngày càng trầm trọng vì nhiều động cơ, mục đích đáng phê phán của con người như vặt lông đuôi voi, thậm chí chặt luôn cả phần đuôi để bán cho du khách!

Thay đổi cách hành xử với voi     

Còn nhớ, từ đầu năm 2010, trong một hoạt động “Tuần lễ Văn hóa voi” được tổ chức tại Đắk Lắk, trong đó vùng đất nổi danh về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng Buôn Đôn được chọn làm tâm điểm, Ban tổ chức đã kêu gọi hãy thay đổi cách hành xử với đàn voi nhà (cũng như voi rừng) bằng cách khai thác, giới thiệu và quảng bá văn hóa voi trong đời sống các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ thông qua các nghi thức, nghi lễ (cúng sức khỏe cho voi, tái hiện lễ voi nhập buôn, kể công voi, khóc voi gắn với việc thực hành văn hóa, luật tục liên quan) thay vì chỉ chăm chăm “bóc lột” voi trong hoạt động du lịch như hiện nay.

Theo Ban nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hiện trạng đàn voi nhà Đắk Lắk (thuộc Dự án Bảo tồn voi của tỉnh), trong số 45 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi của chúng hầu hết đều không còn nguyên vẹn, nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể voi.

Tiếc thay, thông điệp ấy không được đón nhận, hoặc vì việc tổ chức thực hiện lời kêu gọi trên không được quan tâm đến nơi, đến chốn; hoặc vì cơ chế, hay nói đúng hơn là chủ trương bảo tồn đàn voi ở đây chưa được xây dựng, triển khai đúng mức và kịp thời nên thực trạng voi bị “bóc lột” không có dấu hiệu thay đổi tích cực.       

Mới đây, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ cho Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại Đắk Lắk 60.000 USD nhằm nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ loài động vật này với thông điệp rõ ràng: Thay đổi cách hành xử với voi theo hướng chia sẻ, thân thiện hơn trong mọi hoạt động liên quan, nhất là du lịch voi được doanh nghiệp móc nối, liên kết với chủ voi tổ chức, khai thác ngày càng đa dạng hơn trên địa bàn tỉnh.

Lễ Cúng voi thu hút đông đảo khách du lịch vào dịp Lễ hội Buôn Đôn được tổ chức 2 năm/kỳ.
Lễ Cúng voi thu hút đông đảo khách du lịch vào dịp Lễ hội Buôn Đôn được tổ chức 2 năm/kỳ.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, với sự giúp đỡ trên cùng sự vào cuộc một cách quyết tâm để thực hiện Dự án Bảo tồn voi ở đây được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai từ năm 2017 với nhiều nội dung, hạng mục: cứu hộ, chăm sóc, mở rộng vùng sinh cảnh cho voi sinh sống và đặc biệt là nâng cao nhận thức, thay đổi cách hành xử với đàn voi nhà hiện có, chắc chắn sẽ từng bước khôi phục dần hình ảnh, biểu tượng voi Đắk Lắk trong mắt mọi người ở trong nước cũng như bạn bè quốc tế.  

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.