Nỗi niềm của tre trúc
Thực tế cho thấy số người trẻ diễn tấu thành thạo cồng chiêng trên địa bàn Đắk Lắk ngày càng tăng lên, trong khi đó số người biết chế tác và chơi được các loại nhạc cụ tre trúc của người dân tộc thiểu số tại chỗ lại giảm dần, nếu không nói là ngày càng thưa thớt.
Thưa thớt dần âm vang tre trúc
Nghệ nhân Y Biong Niê (còn gọi là Ama H’Loan) ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột tâm sự: Ông được Bảo tàng tỉnh thường xuyên mời tham gia chương trình trải nghiệm vốn âm nhạc truyền thống của tộc người Êđê nhằm thu hút, phục vụ du khách đến đây tham quan hằng tháng một đôi lần, có khi nhiều hơn. Qua những lần như thế, ông cảm thấy rất buồn khi nhận thấy người đam mê với các loại nhạc cụ tre trúc không còn nhiều, nhất là con em đồng bào dân tộc tại chỗ lại càng hiếm.
Giới trẻ tìm hiểu, sử dụng nhạc cụ tre trúc tại Bảo tàng tỉnh. |
Ở Bảo tàng đã vậy, trong buôn làng còn hiếm hơn, ngoài nghệ nhân Ama H’Loan ra, đến nay không còn ai biết làm ra cái kèn đing năm, đing puốt, đing pơng hay đàn T’rưng nữa. Không những không chế tác được mà số người biết chơi các loại nhạc cụ tre trúc ấy cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trưởng buôn Akô Dhông Y Wol Êban cũng khẳng định điều đó và cho biết ở đây chỉ có một nhóm vài người chuyên thực hiện chương trình văn nghệ dân gian nhằm phục vụ cho khách du lịch là còn biểu diễn được một vài nhạc cụ dưới sự chỉ dẫn của Ama H’Loan, chứ không sôi nổi bằng thời còn các cụ Ama Rin, cụ Y Thông, Ama Khoanh (đã mất) như ngày trước.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Chi hội Văn nghệ Dân gian Đắk Lắk
|
Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột cho hay, qua thống kê gần đây tại một số buôn làng trong phố cho thấy số người biết chế tác, trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống còn rất ít, có nơi hoàn toàn biến mất như buôn Jù (xã Hòa Thuận), buôn Ea Nao A, B, buôn Kmrơng Prông A (Ea Tu), buôn Alê B (phường Ea Tam) và buôn Tour (Hòa Phú). Hầu hết những người lưu giữ được vốn âm nhạc này đều đã già, còn lớp trẻ kế thừa thì rất hiếm hoi.
Chưa thấy thế hệ kế thừa
Không chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ khiến nhiều buôn làng bị thu hẹp, mất dần bản sắc, trong đó có hoạt động chế tác, trình diễn nhạc cụ dân tộc không được cộng đồng quan tâm mà ở nhiều địa phương khác - nơi ít ảnh hưởng “cơn lốc” đô thị hóa cũng vậy, âm vang tre trúc cũng ngày càng vắng vẻ.
Ví như tại huyện Cư M’gar, một trong những “chiếc nôi” đào tạo, nuôi dưỡng vốn âm nhạc dân gian tiêu biểu của Đắk Lắk, đến nay cũng rơi vào tình trạng mai một dần.
Ông A Mang, Phó Phòng VH-TT huyện chia sẻ: Những buôn nổi tiếng về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các loại nhạc cụ tre trúc của người Êđê như Ea Tul, T’riă (xã Ea Tul) hay Kon H’ring (xã Ea Đing) của người Sê đăng đều đứng trước nguy cơ thất truyền do khuyết thế hệ trẻ kế thừa. Số nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa cách đây 10 năm về trước khoảng 140 người, trong đó số nghệ nhân biết chế tác là 43 người và hầu hết tuổi đã cao.
Đến nay, nếu làm một cuộc khảo sát, thống kê lại thì chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn như buôn Tul, trước sau vẫn mỗi mình cụ Y Wang H’Wing là người nắm giữ di sản quý báu này, còn con cháu tuyệt nhiên không ai theo vì không còn đam mê. Hoặc như buôn Kon H’ring, số nghệ nhân gắn bó với kèn klông pút, kleh, đàn T’rưng, brâng, brố… chỉ còn lại vài người như Trưởng buôn A Nít, già A Nép, A Nol - và tất cả có chung nỗi niềm, rằng sau họ không biết vốn âm nhạc tre độc đáo, giàu bản sắc này có còn không (?).
Nghệ nhân Ama H'Loan trải nghiệm chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Bảo tàng tỉnh. |
Những nghệ nhân giàu tâm huyết ở đây hy vọng rằng ngành văn hóa sẽ nhanh chóng có giải pháp chấn hưng đối với các loại nhạc cụ truyền thống trên nhằm tìm lại và tạo nên sức sống mới cho âm vang tre trúc như đã từng nỗ lực khôi phục giá trị văn hóa cồng chiêng trong hơn một thập niên qua.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc