Multimedia Đọc Báo in

Voi đá ở kinh thành Champa

09:51, 26/12/2019
Voi là con vật gần gũi với cư dân Champa trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong đời sống tâm linh.
 
Theo truyền thuyết của Hindu giáo, voi là vật cưỡi của thần Indra (Thần Sấm Sét - cai trị trên các cõi trời) và cũng là con vật tượng trưng cho nữ thần phú quý Laksmi. Đối với văn hóa Champa, voi là linh vật được thể hiện khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc, mang giá trị nghệ thuật cao, trang trí ở các công trình kiến trúc đền tháp. Đặc biệt, ở các kinh thành cổ Champa như Simhapura (còn gọi là kinh thành Trà Kiệu, Quảng Nam) và kinh thành Vijaya (còn gọi là thành Đồ Bàn, Bình Định) là nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc vô giá, trong đó có các bức tượng voi đá.

Vào những năm 1927 - 1928, nhà khảo cổ học người Pháp Jean - Yves Claeys đã khai quật kinh đô Trà Kiệu trong chín tháng. Ông đã phát hiện một số lượng lớn tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch từ các ngôi đền thuộc các vương triều Champa từ thế kỷ 7 - 8. Nhiều tác phẩm trong số này, trong đó có một số tượng voi đã được đưa về Bảo tàng Khải Định (tức Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày nay), Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Guimet (Cộng hòa Pháp).

Hai tượng voi kinh thành Trà Kiệu trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Hai tượng voi kinh thành Trà Kiệu trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam có trưng bày ba bức tượng voi có nguồn gốc từ kinh thành Trà Kiệu. Bức thứ nhất cao 57 cm, dài 54 cm; tượng voi tả thực với tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu hướng về phía trước, vòi cuộn tròn. Bức tượng voi thứ hai có hình khối hiện thực và sống động, voi ở tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu đội mũ miện và quay đầu về bên phải, tai xòe rộng. Bức tượng thứ ba cao 48 cm, dài 53 cm mô tả voi trong tư thế đang bước đi, một chân nhấc lên, đầu hướng về phía trước, vòi cuộn tròn.

Bảo tàng Guimet (Pháp) trưng bày ba bức tượng voi có xuất xứ từ kinh thành Trà Kiệu. Bức tượng thứ nhất thể hiện một chú voi đực đang bước về phía trước, đôi tai xòe rộng ra hai bên, đầu voi đeo miễn nhìn về phía đối diện người xem, mắt voi rõ nét nhưng phần trên của vòi voi bị đục hỏng chỉ còn lại chiếc vòi cuộn trong phía dưới. Hai bức tượng voi khác đặt trong thế đối nhau. Đây là hai bức tượng voi khá hoàn hảo về nghệ thuật điêu khắc, chi tiết còn khá rõ nét.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang trưng bày hai bức tượng voi bằng sa thạch khai quật ở Trà Kiệu. Bức thứ nhất gọi là “Voi đeo miễn” cao 59  cm, rộng 55 cm, dày 26 cm. Tượng voi trong tư thế đi về phía trước; đầu voi mang một cái miễn hai lớp được chạm trổ rất chi tiết và phong phú. Bốn bàn chân voi khá lớn nhưng ngón chân chưa được chạm trổ chi tiết. Phía sau tượng có một cái chốt lớn hình chữ nhật để gắn vào tháp. Tác phẩm này được thể hiện nổi bật với vẻ đẹp cầu kỳ của cái miễn trang trí trên đầu voi. Bức tượng voi thứ hai cao 49 cm, rộng 56 cm, dày 43cm. Phù điêu voi trong tư thế đi về phía phải.

Tượng voi đực  ở kinh thành  Đồ Bàn.
Tượng voi đực ở kinh thành Đồ Bàn.

Tại kinh thành Đồ Bàn, Bình Định vẫn còn giữ hai bức tượng voi đực và voi cái, niên đại vào thế kỷ 12. Tượng voi cái được tạo tác trong tư thế tĩnh, đang đứng yên, chính giữa hai chân voi được tạo liền khối nối giữa hai chân trước và hai chân sau; đầu to; trán rộng, trên trán trang trí hình vương miện gồm những  cánh sen nhọn hai lớp so le, kết dải vươn lên.

Tượng voi đực được thể hiện đứng trên chiếc bệ đá hình chữ nhật, trong tư thế động, hai chân bên trái đang bước tới phía trước; thân voi căng tròn, to khỏe, đầy sức sống; bốn chân to khỏe trong tư thế hoạt động. Tượng voi được thể hiện rất sống động, cân đối trông như một con voi thực ở ngoài đời. Hai con voi đá trong thành Đồ Bàn là những tượng voi lớn nhất được tìm thấy cho đến nay. Hơn nữa, đây là những bức tượng mà nghệ thuật điêu khắc đạt đến độ tinh tế, sắc sảo, mang vẻ đẹp hoàn chỉnh.

Cùng với các tác phẩm điêu khắc độc đáo như sư tử, vũ nữ múa lau, khỉ...., bộ sưu tập điêu khắc voi ở kinh thành Trà Kiệu và Đồ Bàn là những tác phẩm vô giá khẳng định phong cách của nghệ thuật điêu khắc Champa.

Tấn Vịnh

----------

*Bài viết có tham khảo tư liệu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Bảo tàng Bình Định

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.