Multimedia Đọc Báo in

Biến tấu với thổ cẩm

07:09, 27/01/2020

Đưa thổ cẩm lên sàn diễn thời trang là hướng đi không mới, dù vậy anh Nguyễn Thành Trung vẫn theo đuổi điều đó theo cách riêng của mình với mục đích bảo tồn, quảng bá và phát huy vốn văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Vậy theo cách riêng của Trung là gì? Anh bạn trẻ này chia sẻ trước hết phải xác định việc làm của mình là phi lợi nhuận, chỉ tìm mọi cách đưa sắc màu thổ cẩm đến với những người yêu thích, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Theo đó phải nghiên cứu, học hỏi từ nhiều lớp nghệ nhân nổi tiếng trong các làng nghề truyền thống để nhận biết, tích lũy kiến thức căn bản và cần thiết cho việc phô diễn, quảng bá thổ cẩm một khi có điều kiện và cơ hội.

Trình diễn các trang phục áo dài thổ cẩm của nhà thiết kế Nguyễn Thành Trung - (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trình diễn các trang phục áo dài thổ cẩm của nhà thiết kế Nguyễn Thành Trung. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Xác định rõ ràng mục đích và ý nghĩa ấy, đầu năm 2018, nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thành Trung đã lặn lội đi khắp các buôn làng có nghề dệt thổ cẩm tiêu biểu của người M’nông, Êđê, Jarai, Bana, Sê Đăng... để tìm hiểu, lĩnh hội văn hóa thổ cẩm của các tộc người nói trên. Đặc biệt là vốn hoa văn cổ của thổ cẩm ở đây được anh ghi chép cẩn thận, chi tiết nhằm phục vụ cho việc sáng tạo của mình qua từng trang phục giàu bản sắc và hiện đại. Những môtíp hoa văn quen thuộc như đường song song, răng cưa, kỷ hà, hình học… được Trung “xé” ra và biến tấu chúng theo sự quan sát, ý tưởng của mình.

Điển hình là tà áo dài thiết kế bằng chất liệu thổ cẩm được Trung mang đi giới thiệu, quảng bá trên sàn diễn thời trang “Việt Nam Heritage - Cội nguồn và hôm nay” diễn ra tại thành phố biển Nha Trang vào trung tuần tháng 5-2019. Mặt trước của tà áo dài được thiết kế theo hình tượng chú voi ở Đắk Lắk với các chi tiết cách điệu, biến tấu tài tình từ bộ phận: vòi, đôi tai đến cặp ngà vốn rất thật trong đời sống. Sản phẩm này đã thu hút sự chú ý của giới thời trang trong cả nước bởi nét bay bổng, thanh thoát nhưng cũng hết sức đài các và sang trọng của nó khi được phô diễn trong mọi không gian đời thường cũng như trên sân khấu thời trang. 

Trang phục áo dài thổ cẩm được biến tấu từ hình tượng Chú voi Đắk Lắk - (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trang phục áo dài thổ cẩm được biến tấu từ hình tượng Chú voi Đắk Lắk. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Trung cho biết, Tết Canh Tý này sẽ mang thời trang thổ cẩm tham gia  chương trình Festival Tết 2020 được tổ chức tại Công viên Lê Văn Tám (TP. Hồ Chí Minh). Thời gian qua, Trung cùng với đội ngũ giúp việc của mình trong Công ty Tổ chức sự kiện - Thời trang Trung Beret đã đến những làng nghề thổ cẩm của người M’nông (buôn Jun, huyện Lắk), người Êđê (buôn Tơng Jú, TP. Buôn Ma Thuột) khảo sát, tìm hiểu thêm hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở đây, ngõ hầu kết nối cùng người dân thúc đẩy, phát triển mặt hàng truyền thống và giàu bản sắc này thông qua sự kiện văn hóa trên. Theo Trung, cần phải đa dạng hóa việc “thúc đẩy, phát triển thổ cẩm” theo nhiều hướng hơn trên bình diện đời sống cộng đồng, cũng như trong quá trình lĩnh hội và sáng tạo tự thân.  

Nguyễn Thành Trung tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật - Trường Cao đẳng Văn hóa Đắk Lắk năm 2011, sau đó về TP. Hồ Chí Minh học thêm ngành múa và thiết kế thời trang nên có nền tảng theo đuổi đam mê cùng thổ cẩm. Anh đang có kế hoạch biến tấu và đưa thổ cẩm lên bình diện mới trong đời sống thời trang đương đại bằng “ngôn ngữ” của hình họa và múa mà mình đã tích lũy được trong gần 10 năm qua. 

Ý hướng trên được chị H’Dam Buôn Krông - Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Muốn thổ cẩm bán được thì cùng một lúc phải xúc tiến ba việc: quảng bá văn hóa, cải tiến mẫu mã và nhất là sự sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang hiện nay nhằm nâng tầm cho mặt hàng truyền thống này - từ giá trị mỹ thuật cho đến lợi ích kinh tế mà thổ cẩm mang lại. Có thể nói những điều đó, Trung và đồng nghiệp của anh ở Công ty Tổ chức sự kiện - Thời trang Trung Beret nỗ lực giúp các làng nghề thổ cẩm ở đây hồi sinh. Ngoài việc tạo ấn tượng cho mọi người tại các “sân chơi” thời trang đẳng cấp tại một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước bằng sự biến tấu từ thổ cẩm, nhóm này còn đến các buôn làng vùng sâu, vùng xa kết hợp với nghệ nhân trình diễn vẻ đẹp thổ cẩm dưới góc nhìn, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại từ tấm khăn đội đầu, váy, áo, khố đến những vật dụng gần gũi như túi xách, thắt lưng, mũ nón các loại khiến không ít người nhận ra giá trị của thổ cẩm - vốn văn hóa đặc sắc mà các cộng đồng người ở đó đang sở hữu như tài sản ý nghĩa và lớn lao. 

Cuộc “điền dã” thổ cẩm gần đây là vào tháng 7-2019 tại xã Đắk Liêng - huyện Lắk, không những mang lại cho nhà thiết kế thời trang 30 tuổi này nguồn hứng khởi mới khi nhận ra thanh thiếu niên ở địa phương tỏ ra mong mỏi có bộ áo quần cách điệu từ thổ cẩm để đến trường, mà còn là dịp để anh củng cố niềm tin cùng kết nối với thành viên trong các cộng đồng dân tộc nhằm thực hiện chương trình “Thời trang học đường” mà mình từng ấp ủ từ sự biến tấu của sắc màu thổ cẩm.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.