Multimedia Đọc Báo in

"Nặng nợ" với… voi

18:57, 27/01/2020

Ông Đàng Năng Long (SN 1962) ở buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) được những người yêu voi ở Đắk Lắk biết đến không chỉ sở hữu số lượng voi nhà nhiều nhất nước (7 con) mà còn là một người yêu voi, hiểu biết về voi và luôn nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển đàn voi nhà.

Đón chúng tôi bên căn nhà dài truyền thống của người M’nông nhìn ra hồ Lắk mênh mông, lộng gió, ông Long vừa trò chuyện vừa thong thả đưa những bó cỏ, cây mía cho hai con voi nhà ăn. Những chú voi mập mạp, uy dũng đưa cái vòi đón lấy thức ăn từ tay chủ một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Cạnh đó, những du khách nước ngoài thích thú chụp hình, mua thêm mía, chuối cho voi ăn cùng.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi voi, ông Đàng Nhảy - bố ông là một người buôn bán voi và sở hữu đàn voi nhà lớn trong vùng nên từ nhỏ ông Long đã gắn bó mật thiết với chúng. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, với ông Long, voi vẫn thủy chung, son sắt với con người và là một phần quan trọng không thể khuyết trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây.

“Từ bao đời này, bà con dân tộc thiểu số tại chỗ luôn xem voi là một thành viên trong gia đình, voi được đặt tên, làm lễ cúng sức khỏe hằng năm, được chăm sóc khi còn sống và chôn cất chu đáo khi mất. Voi tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất, như: kéo gỗ, vận chuyển nông sản, người… và nay còn làm du lịch góp phần cải thiện thu nhập cho chủ voi. Việc để voi làm du lịch là không thể tránh khỏi, nhưng ở mức độ nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, đảm bảo phúc lợi cho voi là cái tâm của người nuôi voi”, ông Long tâm sự.

Ông Đàng Năng Long chăm sóc những con voi của mình.
Ông Đàng Năng Long chăm sóc những con voi của mình.

Để đảm bảo sức khỏe cho voi, ông Long không bắt voi “cày” du lịch, mà phân công voi trực du lịch theo ngày. Theo đó, mỗi ngày ông chỉ để 2 - 3 con voi ở nhà phục vụ du khách, số còn lại được thả lên rừng kiếm ăn, nghỉ ngơi dưỡng sức. Ngoài ra, ông Long còn thuê 2 nhân công hằng ngày lên rừng cắt cỏ về bổ sung vào khẩu phần ăn cho voi. Gắn bó với voi, ông Long luôn trăn trở làm sao để duy trì, phát triển đàn voi nhà. 

Trong hội thảo về việc sinh sản của voi nhà do Trung tâm Bảo tồn voi tổ chức tháng 5-2019 tại TP. Buôn Ma Thuột, ông Long mở đầu phát biểu bằng tâm sự: “Chúng tôi sinh ra dưới chân voi, lớn lên trên lưng voi nên giờ để voi có thể sinh sản tôi luôn sẵn lòng cho voi của mình tham gia”. Rồi ông thẳng thắn đi vào vấn đề sinh sản của voi nhà: “Chúng ta đã ích kỷ trong nhiều năm qua, để đàn voi nhà từ hơn 500 con giờ chỉ còn hơn 40 con và trong suốt thời gian dài không có con voi nhà nào sinh con. Nếu không nhanh, chỉ vài năm nữa thôi, khi đàn voi hết tuổi sinh sản thì dẫu chúng ta có đổ bao nhiêu tiền voi cũng không thể sinh con được nữa”. Những gì ông Long phát biểu chính là thực trạng đáng buồn mà đàn voi nhà của tỉnh đang phải đối mặt, voi ngày một già, trong hơn 40 con hiện chỉ còn khoảng 25 con trong độ tuổi sinh sản. Những năm gần đây, công tác bảo tồn voi đã được chăm lo, việc sinh sản cho voi được tỉnh quan tâm, tuy nhiên đến nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc voi có mang thai, việc sinh con chưa thành công.

Du khách nước ngoài thích thú cho voi ăn.
Du khách nước ngoài thích thú cho voi ăn.

Riêng về phần mình, ông Long khẳng định sẽ hỗ trợ những gì có thể cho voi nhà sinh sản. Ông cho biết, voi đực và voi cái giao phối là cả một câu chuyện nan giải mà cả chủ voi cái lẫn voi đực đều có những lo ngại riêng nên không ai muốn cho voi làm việc này. Đó là sợ trong lúc giao phối voi đực làm bị thương voi cái, rồi khi voi con sinh ra ai sẽ là chủ sở hữu… Có lần voi đực nhà ông giao phối với voi cái của một chủ voi khác, người này lo lắng: “Voi tôi chết ai đền”. Không chút ngần ngại ông Long chỉ vào con voi đực to lớn của mình trả lời: “Tôi đền con voi đực này cho”. Sau đó, voi cái mang thai, tuy việc sinh con không thành song cũng đã mở ra niềm hy vọng về việc sinh sản cho đàn voi nhà. “Ước nguyện lớn nhất của tôi là voi có thể sinh sản để duy trì nòi giống, để con cháu sau này vẫn có thể ngắm nhìn voi trên quê hương, đất nước mình chứ không phải đi sang những nước khác”, ông Long tâm tình. 

Hướng mắt về phía những cánh rừng bên kia hồ Lắk, ông Long chia sẻ mơ ước không của riêng ông mà cả những người nuôi voi ở huyện Lắk là có một khu vực rừng được dành riêng để chăn thả voi. Ở đó, voi có thể tự do đi lại kiếm ăn, vui chơi, ghép đôi để sinh sản và người nuôi voi có thể làm du lịch với voi một cách thân thiện với môi trường.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi, trên địa bàn tỉnh có 44 con voi nhà, trong đó có 25 con voi cái, 19 con voi đực. Số voi còn trong độ tuổi sinh sản là 25 con (16 voi cái và 9 voi đực). 

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.