11:07, 31/08/2020
Từ tre, nứa, lồ ô, mây, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chẻ ra, vót nan, pha chế và tạo màu cho từng loại nan để đan thành những chiếc gùi.
Đồng bào tạo ra nhiều loại gùi khác nhau, phục vụ nhu cầu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như: gùi củi, gùi thóc, gùi của đàn ông, gùi của đàn bà, gùi cho người lớn và gùi cho trẻ em. Sản phẩm đan độc đáo nhất của các tộc người là những chiếc gùi có nắp, đựng đồ gia bảo của gia đình, đựng đồ trang sức của người phụ nữ và chiếc gùi 3 ngăn nam giới.
|
Gùi có nắp đậy của dân tộc Bahnar. |
Chiếc gùi là vật dụng khó làm nhất. Đầu tiên người đan phải dựng khung bằng những chiếc nan thẳng đứng, rồi đan từ dưới lên. Khi đan xong phần thân gùi thì nẹp một thanh tre thành vòng tròn quanh làm miệng gùi. Thanh tre trên miệng gùi được buộc chéo bằng những sợi dây mây chắc chắn. Sau đó kết quai gùi, dây ràng, làm chân đế cho chiếc gùi. Dáng gùi hình trụ tròn, nắp đậy hình chóp nón. Dấu ấn làm nên nét khác biệt của chiếc gùi chính là cái nắp hình chóp. Người thợ phải đan sao cho cái nắp vừa khít với miệng gùi và cân đối với thân gùi. Chiếc gùi hình trụ tròn trở nên duyên dáng, hoàn hảo khi được úp lên phía trên nó một cái nắp có hình chóp nón. Trên đỉnh chóp có làm tay cầm bằng mắt tre hoặc sợi mây bện thắt lại vừa tạo thêm nét thẩm mỹ, vừa thêm chắc chắn, lại có tác dụng như tay cầm, thuận tiện cho việc đóng, mở nắp gùi.
Vẻ đẹp của chiếc gùi có nắp không chỉ ở tạo hình độc lạ mà còn ở hoa văn trang trí, những đường đan trên thân gùi và nắp gùi. Những sợi nan được vót tròn trịa, nhỏ như chiếc tăm đan, bện trên nắp gùi với đường nét tinh xảo. Người ta đan các dải hoa văn theo lối kép gồm hai đường viền khác nhau chạy song song và đều đặn, ngay hàng thẳng lối như mặt thảm. Những chiếc nan với màu sắc tự nhiên của tre nứa và những chiếc nan được nhuộm màu từ pha chế, xông khói, ngâm bùn để người thợ thủ công dệt nên sắc màu, hoa văn truyền thống. Hoa văn trên đồ đan cũng thường được sao chép từ những hoa văn trên trang phục, mang nét đẹp gần gũi, mang dấu ấn, biểu tượng văn hóa tộc người. Mặt trong dưới nắp gùi thường có một lớp lá để thêm độ kín, bảo vệ đồ vật chứa đựng bên trong tránh mưa gió.
Ngày xưa, ở bon làng M’nông, mỗi nhà thường có hai chiếc gùi có nắp: một chiếc dùng để mang đi xa, còn một chiếc dùng để cất những đồ vật quý giá của gia đình. Nếu gùi có nắp bị mất thì tất cả đều mất, cả vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy, trong nhà quý nhất là chiếc gùi có nắp bởi đó là kho tàng quý giá của gia đình. Khi dời nhà, lúc hỏa hoạn chủ nhà trước tiên phải mang chiếc gùi này đi trước rồi mới đến các của cải, tài sản khác. Chiếc gùi quý như thế nên không ai dám lấy trộm, nếu bị mất trộm là gây ra điều xui xẻo cho gia chủ. Người lấy trộm chiếc gùi cũng chưa chắc yên ổn, sẽ bị thần linh quở phạt, làm cho khờ dại. Nếu bắt được người lấy trộm gùi có nắp, người chủ sẽ phạt cúng lợn hoặc trâu, thậm chí bị phạt vạ một con voi.
Chiếc gùi cũng là tặng phẩm quý dành cho các thành viên trong gia đình, thể hiện tình thương yêu, chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Người cha sau mùa nương rẫy lại cặm cụi vót nan, đan gùi, nong nia cho vụ mùa thu hoạch và không quên tạo tác chiếc gùi có nắp đậy (hoặc mua, trao đổi từ người thợ khéo tay trong làng) để tặng cho con gái trước khi con đi lấy chồng. Theo phong tục người Mạ, đứa trẻ mới sinh ra 8 ngày tuổi sẽ được làm lễ đặt tên. Trong ngày lễ, người thân sẽ tặng cho bé chiếc gùi nhỏ có nắp xinh xắn, cầu mong cho con được may mắn, thuận lợi trong bước đường đời, ăn nên làm ra, sẽ có nhiều của quý để đựng trong chiếc gùi này.
Hiện nay, mặc dù người ta đã sản xuất những vật dụng bằng nhựa, sợi tổng hợp và bán rất nhiều ở ngoài chợ, nhưng đồng bào Tây Nguyên vẫn thích sử dụng những đồ dùng tự đan. Một số nơi đã tổ chức thành nhóm chuyên đan nong, nia, thúng, mô hình nhà rông, đặc biệt là chiếc gùi có nắp đậy từ tre, nứa, lồ ô để xuất khẩu i và làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc