11:38, 28/08/2020
Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đã được huyện Krông Búk tích cực triển khai trong những năm qua, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Là địa phương còn lưu giữ được số cồng chiêng nhiều nhất huyện (75 bộ), chính quyền xã Cư Né cùng với các già làng, nghệ nhân tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân biết trân trọng, nâng cao ý thức gìn giữ cồng chiêng; khơi dậy phong trào học và sử dụng cồng chiêng cho thế hệ trẻ…
Sở hữu một bộ cồng chiêng quý, chiếc trống da trâu hơn 100 tuổi, ba chiếc ché cổ cùng chiếc ghế kpan dài hơn 10 mét, nghệ nhân Y Môi Mlô ở buôn Drah 2 (xã Cư Né) được xem là "người giàu" nhất buôn. Có nhiều người ở vùng khác tìm đến hỏi mua các cổ vật nói trên với giá cao nhưng nghệ nhân Y Môi nhất quyết không bán.
|
Các thiếu nữ tham gia nghi thức Lễ cúng bến nước ở buôn Nur (xã Cư Pơng). Ảnh: Ánh Ngọc |
Với mong muốn gìn giữ văn hóa cồng chiêng, ông thường xuyên nhắc nhở thế hệ trẻ về ý nghĩa của tiếng cồng, tiếng chiêng trong đời sống văn hóa của dân tộc mình, tích cực chỉ bảo cách đánh chiêng cho con cháu và những thanh thiếu niên đam mê cồng chiêng trên địa bàn huyện. Nghệ nhân Y Môi Mlô tâm sự: “Cuộc sống hiện đại, âm thanh rộn rã của các loại nhạc cụ dân gian không còn vang lên nhiều như xưa, nên nhiều năm nay tôi không quản ngại đường sá xa xôi, nỗ lực truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn, góp phần phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc".
Nhờ tình yêu văn hóa truyền thống, sự dìu dắt của nghệ nhân Y Môi và một vài nghệ nhân khác, giờ đây ở buôn Drah 1 và Drah 2 đã có thêm một đội chiêng Kram gồm 9 thành viên độ tuổi từ 16 - 30. Những lúc nông nhàn, các thành viên trong đội chiêng thường tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn để luyện tập cách đánh chiêng. Không chỉ biểu diễn trong những ngày lễ, hội của xã mà đội chiêng Kram còn giành được nhiều giải thưởng khi tham gia các chương trình, sự kiện như: Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Lễ cúng mừng sức khỏe; Lễ cúng bến nước; Buôn vui chơi, buôn ca hát…
Ngoài ra, vào dịp nghỉ hè hằng năm, khi các lớp dạy cồng chiêng được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức, đội chiêng cũng thường xuyên có mặt tại lớp học để truyền cảm hứng và giúp các nghệ nhân hướng dẫn học viên tập luyện. Anh Y Vân Mlô, Đội trưởng đội chiêng Kram cho biết, trước đây đa số thanh niên trong buôn, trong xã bị ảnh hưởng bởi âm nhạc hiện đại, nhiều người bận rộn với công việc nên tập hợp rất khó. Thế nhưng, sau nhiều lần được các nghệ nhân trong buôn vận động, thanh thiếu niên đã tích cực tham gia luyện tập để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Giai đoạn năm 2016 - 2020, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk đã tổ chức được 10 lớp truyền dạy đánh chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút 273 học viên tham gia; đồng thời đã thành lập, duy trì hoạt động của 2 đội chiêng thanh thiếu niên ở xã Cư Né và Cư Pơng.
|
Với nhiều nỗ lực, đến nay trên địa bàn huyện còn lưu giữ được 192 bộ chiêng, 302 người biết diễn tấu cồng chiêng, 12 nghệ nhân biết chỉnh chiêng. Bên cạnh đó, để bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, hằng năm huyện Krông Búk còn tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng như: Lễ cúng mừng sức khỏe ở buôn Ea Túk (xã Cư Pơng), Lễ cúng mừng cơm mới ở buôn Drah (xã Cư Né), Lễ cúng bến nước tại buôn Đrao (xã Cư Né)…
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, việc chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa cũng như phục dụng các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, khơi dậy tình đoàn kết, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc