Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên tình yêu với hát then, đàn tính

15:40, 12/09/2020

Rời quê hương ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào Đắk Lắk lập nghiệp, đồng bào Tày, Nùng vẫn trân trọng gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính truyền thống của dân tộc thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ (CLB).

Chung niềm đam mê

CLB Tiếng tính quê hương (thôn Ea Kanh, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) thành lập vào năm 2012, đến nay có hơn 20 thành viên là những người con Cao Bằng yêu tiếng hát quê hương. Đều đặn vào những ngày cuối tuần, họ lại tụ tập tại nhà văn hóa của thôn, mang lời ca, tiếng đàn xua tan đi những mệt nhọc đời thường.

Người khởi xướng phong trào hát then, đàn tính của thôn Ea Kanh là chàng trai trẻ Nông Văn Tân. Anh vốn đam mê âm nhạc của dân tộc từ nhỏ, lại được thừa hưởng chất giọng hát then của cha, nên mỗi khi trong thôn, xã tổ chức văn nghệ anh lại tích cực tham gia biểu diễn. Dù còn trẻ, nhưng anh Tân luôn trăn trở làm sao để lưu giữ được những tiếng tính, điệu then ngay trên quê hương mới. Vì vậy, cách đây 10 năm, khi chỉ mới hơn 20 tuổi, anh đã đi khắp làng trên, xóm dưới vận động, tập hợp những người yêu đàn tính, hát then lại cùng luyện tập, dần dần lập nên CLB.

 Các thành viên CLB Tiếng tính  quê hương  tập biểu diễn trong một buổi sinh hoạt.
Các thành viên CLB Tiếng tính quê hương tập biểu diễn trong một buổi sinh hoạt.

Ông Nông Văn Páo (Trưởng thôn Ea Kanh) cho hay, hằng năm, vào những dịp trong thôn, trong xã có sự kiện quan trọng, CLB Tiếng tính quê hương đều tham gia, biểu diễn phục vụ bà con; đây cũng là một trong những điểm nhấn trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bên cạnh đó, CLB còn tranh tài ở nhiều sân khấu lớn trong và ngoài tỉnh và đã đạt nhiều giải thưởng cao.

Khi sinh hoạt trong các CLB hát then, đàn tính, các thành viên giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và mặc trang phục truyền thống, nhân lên ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của mỗi cá nhân.

CLB hát then, đàn tính TP. Buôn Ma Thuột cũng là một địa chỉ thu hút những người đam mê môn nghệ thuật này. Dù mới thành lập vào cuối năm 2019, nhưng CLB đã có 30 thành viên, ở độ tuổi từ 30 - 75, đến từ nhiều địa phương trong tỉnh như: thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M'gar, nhiều nhất là TP. Buôn Ma Thuột. Tuy tuổi đời khác nhau nhưng họ lại gặp nhau ở niềm đam mê với hát then, đàn tính. Mỗi tuần 1 ngày các thành viên tập theo từng nhóm và mỗi tháng 1 lần toàn bộ CLB sinh hoạt cùng nhau.

Thông thường, buổi sinh hoạt của CLB được tổ chức từ rất sớm, khoảng 7 giờ sáng. Tại đây, ngoài việc luyện tập đàn hát, họ còn chia sẻ với nhau về gia đình, cuộc sống… tạo nên sự gắn bó thân thiết. Chị Hoàng Thị Dung (thành viên CLB) tâm sự: “Tôi và những thành viên khác khi tham gia CLB được thỏa mãn đam mê hát then, đàn tính, được gửi gắm những ước mơ khó nói thành lời, giúp nhân lên niềm vui, vơi bớt những muộn phiền...”.

Chính việc tạo được sân chơi, biến âm nhạc, nghệ thuật thành hơi thở, niềm vui của cuộc sống, các CLB đã trở thành “bến đỗ” cho các thành viên được gắn kết và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhân lên ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tự nguyện, bằng sự tâm huyết với văn hóa dân tộc, các thành viên trong các CLB vẫn miệt mài tập luyện. Anh Nông Văn Tân (Chủ nhiệm CLB Tiếng tính quê hương) cho biết, những ngày đầu thành lập, CLB hoạt động trong điều kiện còn thiếu thốn, nhất là cơ sở vật chất và nguồn kinh phí, nhưng các thành viên đã nỗ lực vượt qua, tận tình giúp nhau rèn luyện, nâng cao trình độ đàn hát. Các thành viên trong CLB cũng không ngừng đổi mới và sáng tạo trong sinh hoạt, luyện tập. Ngoài những bài then cổ mang đậm tính nghi lễ, các thành viên cũng đã nghiên cứu, sáng tác nhiều bài then mới theo các chủ đề: Ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và sự đổi thay trên quê hương mới… Bài then cổ, đặt lời mới dễ hát nên ngày càng thu hút nhiều thành viên trẻ tham gia vào CLB.

CLB tiếng tính quê hương sinh hoạt hằng tuần.
CLB tiếng tính quê hương sinh hoạt hằng tuần.

Còn bà Luân Thị Liên (Chủ nhiệm CLB hát then, đàn tính TP. Buôn Ma Thuột) lại đau đáu nỗi lo mai một, thất truyền loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Do đội ngũ nghệ nhân thuộc các điệu then cổ còn rất ít, những nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát then lại hiếm hơn; bên cạnh đó là sự phát triển của các loại hình âm nhạc giải trí nên thế hệ trẻ không mấy mặn mà thiết tha với âm nhạc truyền thống. Vì vậy, bà cùng Ban chủ nhiệm luôn cố gắng duy trì sinh hoạt CLB, giúp các thành viên học những làn điệu cổ, đánh đàn tính… Điều này vừa có thể bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tạo sân chơi gắn kết những người cùng quê, xa quê vơi bớt nỗi nhớ quê hương.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các CLB hát then, đàn tính đã dần kết nối được những trái tim có cùng đam mê và biến nơi này trở thành ngôi nhà chung. Mỗi thành viên là một phần không thể thiếu, góp phần giúp nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng vẫn được lưu truyền, bảo tồn và phát huy trên quê hương mới.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.