Biểu tượng chim tring trong văn hóa Cơ Tu
Trong đời sống văn hóa và tâm linh, đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam luôn xem chim tring là biểu tượng thiêng liêng.
Chim tring là loài chim có mỏ cong, cổ cong, lông màu vàng, trên đầu có mồng, mình có màu đỏ, trắng, đen sặc sỡ. Theo người Cơ Tu, chim tring là loài chim đẹp, hiền hòa, sinh sôi nhanh, không ăn lúa mà chỉ ăn quả rừng, là loài chim gần gũi, linh thiêng và đã trở thành nguồn cảm hứng để nghệ nhân dân gian Cơ Tu sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật dân gian độc đáo, góp phần làm giàu di sản văn hóa tộc người.
Trong kiến trúc dân gian của người Cơ Tu, loài chim tring chính là chủ đề phổ biến với những họa tiết trang trí có màu sắc chủ đạo là đỏ, đen, trắng. Hình tượng cô đọng nhất là mô típ trang trí chim tring nổi bật trên nóc các gươl (ngôi nhà làng truyền thống). Trên hai đầu nóc của gươl làng, các nghệ nhân dân gian Cơ Tu thường khắc đôi chim tring, con đực trên, con cái dưới trong tư thế giao hợp, con trống cưỡi trên con mái với thân và đuôi hòa thành một, đầu hướng vào bên trong, thể hiện mong muốn phồn thực, biểu tượng sinh tồn về cuộc sống hạnh phúc, minh chứng về mối quan hệ cội nguồn và tình chung thủy vợ chồng của người Cơ Tu. Trên hai đầu nóc của gươl, chim tring cũng được khắc thành đôi xen lẫn hình ảnh cây rau dớn tượng trưng cho sự no đủ, phát triển của cộng đồng.
Hình ảnh chim tring trên cây nêu. |
Hình tượng chim tring cũng được các nghệ nhân dân gian Cơ Tu khắc trên cây nêu của cột đâm trâu (xơnur), cây cột cái của gươl (r’măng) giữa nhà thể hiện vẻ đẹp và sự thiêng liêng của ngôi nhà làng truyền thống với mong muốn làm thần lúa vui lòng vì chim tring chính là sứ giả của thần lúa hướng dẫn người Cơ Tu tìm đất mới để canh tác, gieo trồng và lập làng.
Ở một số gươl của người Cơ Tu, phía trên đôi chim tring còn có hình tượng trăng sao tượng trưng cho vũ trụ trong trạng thái thanh bình. Điều này được thể hiện trên hai mặt cắt của hai đầu hồi ghép thành hình bán nguyệt. Giữa chim tring và trăng sao có hàng chông vươn lên trời mang ý nghĩa bảo vệ con người. Trên cổng làng và nhà mồ, mô típ chim tring khá nổi bật với hình ảnh con chim tring thể hiện đối xứng ở hai đầu quan tài và ở một phía đầu hồi nóc của nhà mồ. Đây là món quà vô giá mà người thân dâng cúng cho người đã khuất để an ủi linh hồn của họ...
Hình ảnh chim tring được nghệ nhân dân gian Cơ Tu điêu khắc trên nóc ngôi nhà làng truyền thống. |
Trải qua những biến động, thay đổi của thời gian, trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Cơ Tu là một trong số ít dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên vẫn bảo lưu được các giá trị nguyên gốc của văn hóa truyền thống, trong đó hình ảnh của loài chim tring với những tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc. Trong những năm gần đây, thông qua các cuộc thi điêu khắc dân gian do các địa phương có đông người Cơ Tu sinh sống tổ chức, ngoài loại hình điêu khắc gỗ truyền thống còn duy trì một loại hình nghệ thuật được nghệ nhân dân gian Cơ Tu ưa thích là sáng tạo phù điêu với các chủ đề khác nhau về hình ảnh chim tring để trưng bày, lưu giữ ở ngôi nhà làng truyền thống. Một số tác phẩm phù điêu chim tring đã được Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đặt mua từ nghệ nhân dân gian Cơ Tu về trưng bày ở phần văn hóa Cơ Tu, góp phần giúp khách tham quan hiểu hơn về một nét văn hóa đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa dân gian của dân tộc Cơ Tu vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc