Ði tìm xứ sở cà phê qua di sản ảnh
Tây Nguyên là xứ sở của những loại cây công nghiệp phổ biến ở nước ta hiện nay như cà phê, cao su, ca cao... Đặc biệt, cà phê là cây kinh tế mũi nhọn, là nông sản giá trị mang lại nguồn lợi to lớn cho người trồng và ngành nghề kinh doanh, dịch vụ liên quan như chế biến, xuất khẩu...
Cà phê bắt đầu được trồng khi nào, ở đâu trên đất nước Việt Nam? Nhiều người vẫn cho rằng cây cà phê được trồng đầu tiên ở Tây Nguyên, nơi có đất bazan màu mỡ, khí hậu phù hợp với loại cây này. Tuy nhiên, theo tư liệu, hình ảnh lưu trữ và công bố trong thời gian gần đây, cà phê được trồng đầu tiên tại vùng núi Ba Vì.
Người Thượng làm cà phê vào những năm 1950 của thế kỷ XX. Ảnh: Internet |
Ở Đông Nam Á, cây cà phê là cây “ngoại nhập” được mang về trồng khá sớm ở đảo Java - một trong những hòn đảo lớn nằm ở phía nam “Xứ sở vạn đảo” Indonesia. Giữa năm 1886, nhà thực vật nổi tiếng nước Pháp là Benjamin Balansa sang Java mang về Việt Nam một số cây giống, trong đó có cây canhkina và cà phê. Khi mới mang về Việt Nam trồng thử nghiệm, nhiều cây cà phê bị nấm bệnh nhưng Benjamin Balansa đã trị được loại nấm này và cây dần sinh trưởng tốt. Năm 1901, Marius Borel - nhà tư bản Pháp - sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm ăn theo chủ trương khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Cây cà phê và bò sữa, dê được Marius Borel chọn làm loại cây mũi nhọn trong kinh doanh, phát triển đồn điền, trang trại của mình. Marius Borel mua đất vùng Bất Bạt, Tùng Thiện (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, sau này là huyện Ba Vì) làm đồn điền cà phê, tổng cộng ông có 13 đồn điền ở khu vực này với diện tích rộng hơn mấy nghìn héc-ta. Đồn điền của Marius Borel cho thu hoạch sản lượng cà phê lớn, xứng với công sức đầu tư. Hạt cà phê được sơ chế, rang xay cung cấp cho quân đội và dân Pháp sống tại Bắc Kỳ, số còn lại ông cho xuất khẩu sang châu Âu. Cây cà phê tiếp tục được trồng ở một số đồn điền mới của người Pháp tại Ninh Bình, Nghệ An... rồi vào miền Đông Nam Bộ và lên Tây Nguyên. Tháng 9-1940, Nhật đưa quân vào Việt Nam, các chủ trang trại cà phê quanh khu vực Ba Vì bán rẻ đồn điền hoặc bỏ hoang trở về Pháp, từ đó cây cà phê dần biến mất ở Ba Vì.
Nếu các nhà tư bản Pháp có công trồng và hình thành nên các đồn điền cà phê ở Bắc Kỳ thì bác sĩ danh tiếng Alexandre Yersin là người có công đưa cây trồng nổi tiếng này vào vùng Tây Nguyên. Vị bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ là người có công tìm ra cao nguyên Lang Biang, khám phá ra Đà Lạt thuở nguyên sơ. Ông mang cây cao su, ca cao, nhiều giống cây ôn đới như cà rốt, súp lơ, su su, lay-ơn, cẩm tú cầu, xà lách, cà chua... sang trồng ở Tây Nguyên. Đặc biệt, cây cà phê được ông quan tâm, ưu ái nhất, cho trồng thử nghiệm, sau đó trồng quy mô lớn tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.
Công nhân đồn điền cà phê ở Ba Vì chăm sóc và ươm giống cây cà phê. Ảnh: Internet |
Trước đây, những đồn điền cà phê lớn ở Tây Nguyên do người Pháp đầu tư, quản lý. Nhân công lao động cho các đồn điền cà phê là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. So với người Kinh lên lập nghiệp, sinh sống ở Tây Nguyên thì đồng bào dân tộc thiểu số như Êđê, M’nông, J’rai... sớm có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cà phê. Trong kho tàng di sản ảnh, có những bức ảnh tư liệu thật sinh động, ghi lại một cách chân thực những người dân đóng khố, gương mặt tươi vui, tay cầm xà gạc dọn cây, nhổ cỏ chăm sóc vườn cà phê. Đó là những cây cà phê còn “non trẻ”, đang vươn lên trên vùng đất mới, hứa hẹn mùa bội thu. Xem những bức ảnh tư liệu xưa về cây cà phê ta có cảm nhận thú vị: Trong khi những người Thượng mặc khố, cầm xà gạc, đầu trần chân đất làm rẫy cà phê thì những người nông dân phía Bắc mặc áo nâu sồng, đội nón rộng vành, chít khăn mỏ quạ, cầm cuốc chăm sóc và ươm giống cây cà phê.
Sau hơn 100 năm, từ cây ngoại nhập, cây cà phê trở thành loài cây xứ sở, mang biểu tượng của Tây Nguyên. Ngoài giá trị kinh tế, cây cà phê mang một phần linh hồn của văn hóa vùng bazan đất đỏ.
Bài viết có tham khảo tư liệu: “Ba Vì, xứ sở cà phê đầu tiên của Việt Nam” của tác giả Kẻ Chợ
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc