Multimedia Đọc Báo in

Ta lại về đây, Hà Nội ơi!

09:08, 24/10/2020
Ngày về
 

Hà Nội chiều nay mưa tầm tã

Ta lại về đây giữa phố xưa

Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa

 

Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi

Lòng ta như lửa đốt dầu sôi

Nằm lại những chân rừng đầu núi

Hôm nay bao đồng chí đâu rồi

 

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt

Leng keng chuông xe điện đổ hồi

Lòng ta bỗng như dòng suối mát

Ta đã về đây, Hà Nội ơi!

Hà Nội trán em còn ứa đỏ

Những áo hoa còn lấm bùn nhơ

Nhưng mỗi góc tường bao máu rỏ

Còn tươi nguyên như mỗi lá cờ

 

Từ khắp bốn phương trời lửa đạn

Ðứa con về sau những năm xa

Cởi súng đạn, gạt mồ hôi trên trán

Ta lại xây Hà Nội của ta.

8-10-1954

Nguyễn Đình Thi

Thăng Long - Hà Nội là nguồn cảm hứng lớn của văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, quân ta tiến về giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10-1954. Bài thơ “Ngày về” của Nguyễn Đình Thi là tâm trạng vừa bâng khuâng, bồi hồi; vừa ngất ngây, rạo rực niềm vui được trở về Thủ đô yêu dấu. Ra đời đã hơn 65 năm, song thi phẩm vẫn neo mãi giữa lòng người hiện tại.

Khổ thơ mở đầu vẽ ra thời gian và không gian ngày về Hà Nội. Biết bao sướng vui và niềm xúc động ngập tràn cõi lòng nhà thơ. Các từ ngữ “chiều nay”, “về đây” thật cụ thể, cứ ngân nga như những tiếng reo vui không dứt; nhưng sao không gian lại ảm đạm, trầm lắng và mưa tầm tã trên Tháp Rùa như “rơi lệ” dường kia? Phố xưa Hà Nội đây rồi, còn gì xúc động hơn, có lẽ vậy chăng nên lòng người nghẹn lại, tất cả cứ rưng rưng sau chín năm kháng chiến biệt kinh kỳ:

Hà Nội chiều nay mưa tầm tã

Ta lại về đây giữa phố xưa

Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa

Hai câu thơ “Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá/Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa” quả là tuyệt bút bởi tác giả không những miêu tả thật hay, thật độc đáo một thắng cảnh giữa lòng Thăng Long - Hà Nội mà còn tái hiện thật đúng hai thái cực của một tâm trạng vào lúc này. Qua màn mưa nên nhìn Tháp Rùa “rơi lệ”, hay đó cũng chính là những giọt nước mắt bồi hồi trong niềm cảm động vô biên? Đâu chỉ có Nguyễn Đình Thi, ngày về Hà Nội, Tố Hữu cũng đã từng “Ràn rụa vui lên ướt mắt cười”.

Ngày trở về, vui mừng biết bao nhiêu khi “đường xưa phố cũ đây rồi” khiến tác giả đắm đuối nhìn vào từng bóng dáng Hà Nội thân quen mà không cầm được nước mắt. Câu thơ “Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi” là câu thơ xuất thần, tự nhiên và hay đến không ngờ. Điệp từ “ta nhìn” như một tiếng reo vui sung sướng ngỡ ngàng khi được thấy Hà Nội sau chín năm xa cách. Nhưng trong niềm vui sướng ấy, Nguyễn Đình Thi lại bồi hồi tưởng nhớ đến những đồng chí mãi mãi nằm lại núi rừng:

Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi

Lòng ta như lửa đốt dầu sôi

Nằm lại những chân rừng đầu núi

Hôm nay bao đồng chí đâu rồi

Cảm xúc trào dâng trước kỷ niệm và hiện tại, mất mát và niềm vui, nhà thơ lắng hồn đứng giữa Thủ đô ngây ngô như một đứa trẻ thơ mà “khóc giữa trời mưa hắt”. Tiếng khóc hòa trong nỗi mừng vui khi nghe “leng keng chuông xe điện đổ hồi” để rồi òa vỡ như bay lên ôm chầm lấy Thủ đô yêu dấu: “Ta đã về đây, Hà Nội ơi!”.

Khổ thơ cuối bài là niềm phấn khởi vô biên sau những năm tháng cách xa Hà Nội. Đến đây, nhà thơ mới thực sự bừng tỉnh, nhận diện một Thủ đô được hoàn toàn giải phóng, mới thực sự biết mình đã về lại Hà Nội yêu thương “sau những năm xa”. Trả lại súng đạn, gạt những giọt mồ hôi trên trán, tác giả nguyện hứa với lòng mình, với Hà Nội văn hiến ngàn năm về một tương lai rạng ngời phía trước:

Từ khắp bốn phương trời lửa đạn

Ðứa con về sau những năm xa

Cởi súng đạn, gạt mồ hôi trên trán

Ta lại xây Hà Nội của ta.

Bằng cảm xúc chân thành ngân lên từ trái tim của một nhà thơ suốt đời mến yêu Hà Nội,  bài thơ “Ngày về” là tiếng nói vừa thiết tha, vừa hào sảng mà Nguyễn Đình Thi ghi lại trong ngày trở về tiếp quản Thủ đô. Một bản đàn thơ vui song lại lắng sâu nhiều cung bậc, và trên hết chính là niềm tin, niềm tự hào về một Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách nô lệ thực dân. Đúng như lời thơ Tố Hữu đã ngợi ca: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.