Đình Bồ Bản - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa làng Việt
Đình Bồ Bản thuộc thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Được hình thành vào những năm cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1476), làng Bồ Bản xưa do các vị tiền hiền của tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào khai khẩn và lập nghiệp.
Sau này, đến đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) còn có thêm các họ Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm... đến ngụ và trở thành hậu hiền của làng.
Cũng như bao làng quê khác, sau khi đã an cư tại vùng đất mới, nhân dân làng Bồ Bản tiến hành chọn đất, cất dựng đình làng để phụng sự uy linh. Năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800), đình được xây dựng đơn sơ tại gò miếu Tam Vị phía đông của làng. Đến đời vua Tự Đức, năm Nhâm Tý (1852), ngôi đình được dời đến thôn Bồ Bản - nơi có thế “rồng uốn, hổ chầu” và phong cảnh hữu tình.
Đình được xây dựng giữa năm cái gò cao tượng trưng cho ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, đó là Gò Làng, Gò Dinh Ông, Gò Chùa, Gò Miếu và Gò Ổi. Lưng đình dựa vào Gò Miếu cao trong tư thế bền vững với thời gian. Trước đình (phía nam) có đồng ruộng bao la tiếp giáp với làng Cẩm Toại, nơi có Cấm Mít – xưa kia là lãnh địa của người Chăm. Chếch về phía nam là bàu Sen, bàu Thị mà mỗi độ hè về là một rừng sen lung linh trên mặt nước, ở đó hương thơm của sen hòa quyện cùng hương thơm của đồng lúa, nếp trổ bông, tạo cho ngôi đình càng thêm đẹp… Người đi xa quê hương, khi nghe mùi hương này, ai cũng bâng khuâng tấc dạ, nhớ mái đình xưa, nhớ cây đa cổ kính…
Đình Bồ Bản. |
Các bậc cao niên cho hay, dù trải qua bao biến thiên lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng kiến trúc làng Việt vẫn nguyên hiện trạng nơi đình Bồ Bản. Đình có tất cả 36 cây cột làm bằng gỗ mít và gỗ kiền kiền được đặt trên kệ đá chạm hình trái bí. Trong đó, tám cột cái (cột nhất) cao 4,5 m, tám cột hàng nhì cao 3,5 m, tám cột hàng ba cao 2,3 m, bốn cột đấm, bốn cột quyết và bốn cột ở cửa hông. Bên cạnh đầu rồng được chạm khắc thường thấy tại các đình làng khác, các thanh trính, kèo ở đình Bồ Bản còn được trang trí thêm tứ thời, tứ quý, cầm kỳ thi tửu… mềm mại và tinh xảo. Đây cũng nét đặc sắc riêng của đình Bồ Bản.
Bên trong đình được bố trí hài hòa để thờ các vị thần bao gồm: ở giữa là bàn thờ hương án để thờ Thành hoàng và các vị thần có sắc vua phong. Bàn thờ bên tả có hai chữ “Quan tiền” để thờ tiền hiền, còn bàn thờ bên hữu có hai chữ “Dũ Hậu” để thờ các vị hậu hiền. Giữa có một tấm hoành phi sơn son thếp vàng ghi ba chữ “Bồ Bản Đình” bằng chữ Hán Nôm. Ngoài ra, hai bên tả hữu còn đặt cái long đỉnh chạm trổ rất công phu dùng để thỉnh sắc vua ban và một cái trang rất cổ là nơi thờ Quan Thánh Đế Quân. Theo lời các bậc cao niên, đình Bồ Bản được xây dựng có sự tham gia của các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, tạo nên những hoa văn họa tiết rất cổ kính, mềm mại, trông rất trang nhã, hài hòa.
Đặc biệt, ngôi đình này từng là phòng phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cũng từng là nơi tổ chức nhiều cuộc mít tinh, hội họp của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Năm 1999, đình Bồ Bản được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo thông lệ, cứ 3 năm một lần, người dân Bồ Bản tổ chức lễ hội đình làng (vào ngày 16 và 17-3 âm lịch). Đến đình Bồ Bản vào những ngày lễ hội, du khách sẽ hòa mình vào lễ hội văn hóa dân gian với tiếng trống, kèn, nhị… của ban nhạc cổ, tìm hiểu các nghi lễ được tổ chức ở sân đình và còn có dịp thưởng thức những làn điệu dân ca như: bài chòi, hò khoan, đạp nước…
Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc