Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo đình Ông Voi ở Hội An

18:37, 10/02/2021

Trên đường Lê Lợi, phường Minh An, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) hiện tọa lạc một ngôi đình rêu phong, cổ kính được xây dựng cách đây hơn 300 năm. Ngôi đình rất độc đáo bởi tên gọi dân gian, kiến trúc của ngôi đình và đối tượng thờ tự đều liên quan đến voi...

Lịch sử hình thành đình làng ở Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng luôn gắn với quá trình di dân, khẩn hoang, khai phá những vùng đất mới, hình thành nên những cộng đồng làng xã người Việt. Theo quá trình Nam tiến trong lịch sử mở mang bờ cõi của dân tộc, từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, nhiều làng xã của Hội An lần lượt được hình thành, trong đó có làng Hội An. Sau khi cuộc sống ở vùng đất mới đã an cư lập nghiệp, lập thành làng xóm, cuộc sống dần dần đi vào ổn định thì con cháu các họ tộc làng Hội An đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng đình làng (đình làng Hội An hay còn gọi là đình Ông Voi) để thờ tự, tưởng nhớ và ghi ơn công đức những bậc tiền nhân, những vị tiền bối đã có công khẩn hoang, khai phá lập nên làng xã; đồng thời cũng làm nơi tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng.

Hai con voi trước sân đình.
Hai con voi trước sân đình.

Theo những tài liệu cổ, sắc phong và bia đá còn lưu lại thì đình Ông Voi được xây dựng dưới thời nhà Lê và đã được di dời, tu bổ, tôn tạo nhiều lần, cụ thể vào các năm Gia Long thứ 17 (1818), năm Thành Thái thứ 19 (1907), năm Bảo Đại thứ 17 (1942), năm 1953, 1996, 2007... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tác động của thiên tai, chiến tranh nhưng đình Ông Voi vẫn tồn tại đến ngày nay và là một di tích mang những giá trị độc đáo riêng biệt về kiến trúc đình làng ở xứ Quảng.

Giá trị độc đáo, riêng biệt của đình Ông Voi so với các đình làng khác còn tồn tại đến ngày nay không chỉ thể hiện ở quy mô kiến trúc xây dựng mà còn ở kết cấu, vật liệu xây dựng, trang trí và đối tượng thờ tự. Ngôi đình có kết cấu hài hòa với kiến trúc cao dần từ tiền đường đến hậu tẩm, từ nhà đông, nhà tây vào bên trong. Hệ thống cột ở mặt tiền chính điện, nhà đông nhà tây làm bằng đá nguyên khối được khắc chạm các cặp câu đối Hán Nôm. Giá trị mỹ thuật của ngôi đình ấn tượng bởi các chi tiết trang trí trên gỗ, đặc biệt là trụ đội nhà đông nhà tây và bẫy hiên, trính mặt tiền chính điện. Đặc biệt trong hậu tẩm của đình có thờ tượng một con voi bằng đồng. Trong tư liệu “Quảng Nam xã chí” do Viện Viễn đông Bác cổ thực hiện có đề cập đến chi tiết này tại đình Ông Voi: “...Tại đình làng có thờ một cặp độc bình rất xưa, bề cao độ 0m60. Một cái vẽ chữ thọ, một cái vẽ sơn thủy; 4 bộ đồ ngũ sự bằng đồng (lư tròn), 1 bộ đồ tam sự bằng đồng (lư vuông), bề cao độ 0m50. Và một con voi bằng đồng cân nặng độ 1 kg...”. Có lẽ do đặc trưng của ngôi đình với việc tự khí voi đồng được thờ ở chính đình và cặp voi ở trước sân đình nên người dân Hội An xưa kia đã gọi đình làng Hội An là đình Ông Voi cho dễ phân biệt, dễ nhớ chăng?

Tượng voi tại đình Ông Voi.
Tượng voi tại đình Ông Voi.

Voi là con vật tượng trưng cho sức mạnh và sự khôn ngoan. Trong văn hóa của người Việt, voi đóng vai trò rất quan trọng. Người Kinh, người Chăm, Khơme và cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đều có những chuyện cổ, truyền thuyết dân gian và cả những sự kiện lịch sử liên quan đến voi trong quá trình dựng nước, giữ nước. Voi đã được thuần hóa từ xa xưa để tham gia các trận chiến, để lấy sức kéo và đóng vai trò quan trọng trong các tôn giáo tín ngưỡng liên quan đến đời sống tinh thần của người dân. Nhưng tại sao ngôi đình Ông Voi này thờ voi - một điều rất độc đáo không tìm thấy ở bất cứ ngôi đình nào ở Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng - thì chưa thấy sử liệu nào đề cập đến và hiện nay những nhà nghiên cứu lịch sử vùng đất Hội An vẫn đang tìm lời giải đáp.

Có ý kiến cho rằng voi là hình tượng khá phổ biến trong văn hoá Chăm, được chạm khắc trang trí trên các công trình kiến trúc theo những câu chuyện của thần thoại Ấn Độ mang ý nghĩa tôn giáo. Vùng đất Hội An trước đây từng thuộc vương quốc Chămpa, sau này người Việt vào tiếp quản khai phá, dựng làng, lập ấp và có sự cộng cư cùng ảnh hưởng qua lại giữa văn hoá Việt - Chăm. Phải chăng hình tượng con voi tại đình Ông Voi là sản phẩm của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trong lịch sử?

*Bài viết có sử dụng tư liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

An Trường

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.