Multimedia Đọc Báo in

Tiếng chiêng đêm cuối năm

20:16, 11/02/2021

Trong đêm, có tiếng gì nghe cứ rầm rì, thầm thào, đều đều, nhẹ nhàng. Sau lại là những tiếng giòn giã, dồn dập. Rồi tiếng bổng tiếng trầm cứ hòa quyện vào nhau, cuồn cuộn, sôi réo như tiếng thác chảy giữa đại ngàn hoang sơ. Chợt nhận ra đấy là tiếng chiêng từ buôn xa vẳng lại. Tiếng chiêng của đêm hội mùa xuân.

Lúc này, đêm chưa khuya nhưng yên tĩnh lạ, cái yên tĩnh bình dị êm đềm vốn có của miền đất Tây Nguyên. Núi rừng lặng im, ruộng đồng lặng im, dòng sông, con suối cũng lặng im. Chỉ mênh mang từng cơn gió lồng lộng thổi dài trên cao nguyên vời vợi. Đêm cuối năm, bầu trời trong veo, huyền ảo, lấp lánh những vì sao. Và tiếng chiêng, tiếng chiêng bập bùng lúc gần lúc xa, chung chiêng cùng gió.

Tiếng chiêng rộn ràng như lòng người đang mừng vui, náo nức. Có phải buôn làng vui vì mùa qua lúa bắp thu về xếp chật kho, cà phê hái về phơi chật ngõ? Có phải vui vì mùa xuân đang đến gần, hoa mai đã chấm vàng ven suối, hoa pơ lang đã khoe nụ đỏ bên sông? Hay vui vì ruộng đồng đã cày bừa gieo sạ xong, hạt lúa đã nảy mầm, cây mạ đã lên xanh? Tiếng chiêng cứ reo vui, mừng một mùa qua ấm no, cầu một vụ mới bội thu và cũng là để tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới đang tới.

Giữ mãi nhịp chiêng. Ảnh: Nguyên Hùng
Giữ mãi nhịp chiêng. Ảnh: Nguyên Hùng

Trong chập chờn tiếng chiêng, tôi thấy ché rượu cần được cột vào thân tre tươi dựng giữa sân, heo gà được bày trên mâm lễ cúng tạ ơn thần linh, trời đất. Già làng đứng trịnh trọng chắp tay, lầm rầm cầu khấn, mời thần Sấm, thần Mưa, thần Sông, thần Núi… về nhận lễ. Cầu mong thần linh làm cho mưa gió thuận hòa, ruộng đồng tốt tươi để lúa nhiều hạt, bắp nhiều trái, người được khỏe mạnh, gia súc sinh sôi đầy đàn…

Đêm cao nguyên, tiếng chiêng, tiếng trống cứ bập bùng, bập bùng. Lúc thì rùng rùng như tiếng sấm rền, khi thì dào dạt như tiếng mưa tuôn, lúc lại khoan thai như dòng Krông Ana đang chầm chậm trôi giữa mênh mông đồng bãi… Tôi thấy trong tiếng chiêng ánh lửa cứ bốc cao phần phật, rực rỡ. Tàn lửa tung bay lên bầu trời đêm đầy sao. Con gái, con trai, người già, người trẻ cùng nắm tay nhau cho vòng xoang quanh đống lửa cứ xoay tròn, rộng mãi. Ai đánh chiêng cứ đánh, ai xoang cứ xoang, ai uống rượu cứ vít cần mà uống. Đêm bồng bềnh, bồng bềnh trong tiếng chiêng. Lòng người cũng bồng bềnh, rạo rực bao sướng vui. Hãy vui lên, vui nữa lên, để ngày mai ngày mốt, lên rẫy xuống ruộng cái chân luôn mạnh, cái tay luôn khỏe. Để mùa tới, lúa bắp lại đua nhau theo người về nằm chật kho.

Rồi khi tiếng chiêng tạm lắng, mọi người lại quây quần bên bếp lửa nhà dài, nghe già làng kể khan. Già làng dựa lưng vào cột nhà, mắt nhìn vào màn đêm xa xăm. Lời khan khi cất cao, bay bổng như chim grứ đang giang rộng cánh vút bay trên bầu trời; khi trầm lắng, miên man như tiếng suối giữa đại ngàn lặng lẽ; khi dồn dập như tiếng thác Dray Sáp cuộn trào qua ghềnh đá; khi khoan thai như làn gió sớm đùa trên đồng cỏ mênh mông. Lời khan khiến đàn ông quên châm tẩu thuốc, đàn bà thôi không lên xuống thang sàn. Đứa trẻ nằm trong lòng mẹ cũng quên bú.

Đêm đã về khuya. Ngoài kia, bầu trời vẫn cứ trong veo, lấp lánh ngàn vì sao trắng bạc. Núi đồi nhấp nhô gối đầu lên nhau, mơ màng trong vầng sáng mờ ảo. Cây cối lặng phắc. Ngôi nhà dài cũng lặng phắc. Bếp lửa sàn bập bùng, tiếng củi cháy lép bép. Bóng người chập chờn in trên vách. Và lời khan cứ miên man không dứt. Lời khan khiến lũ con trai ước mình cũng được tài giỏi, dũng mãnh như Đam San, lũ con gái mơ mình cũng được xinh đẹp, giỏi giang như H’Bhi, H’Nhí.

Ảnh: Nhơn Phan
Vũ điệu chiêng tre. Ảnh: Nhơn Phan

Đêm cuối năm, cao nguyên cứ rộn rực, chơi vơi trong những âm thanh, những sắc màu huyền thoại. Tôi nghe trong tiếng chiêng một mùa xuân mới vui tươi, no ấm đang về.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.