Đặc sắc lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc
Nguồn gốc lễ hội Nghinh Ông và địa danh Sông Đốc
Sông Ông Đốc bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu - Sông Trẹm chảy về hướng tây và đổ ra cửa Ông Đốc ở phía vịnh Thái Lan. Tương truyền, trong thời gian bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng chạy về phương Nam đã đến nhiều nơi trên đất Cà Mau. Một hôm, đoàn định chạy trốn sang nước Xiêm La xin cầu viện. Không ngờ, đoàn thuyền vừa đi khỏi vàm Rạch Cui một quãng thì quân Tây Sơn đuổi tới. Trong lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng trong đoàn tùy tùng tâu với vua xin cởi hoàng bào cho ông mặc để ở lại cản trở và đánh lạc hướng quân Tây Sơn. Nhờ vậy, Nguyễn Ánh thoát chết còn Đô đốc Vàng thì bị giết chết. Từ đó người dân gọi con sông này là sông Ông Đốc.
Trên đường rước kiệu ông ra biển. |
Theo lời kể của ông Trần Minh Đặng, Phó Ban quản lý Lăng ông Sông Đốc, năm 1925 có một con cá voi chết trôi dạt vào bờ (người dân gọi là cá lụy), người dân đã mai táng rất trang trọng theo nghi thức dân gian. Sau đó, vào các năm 1951, 1953, 1963 có thêm 3 cá voi cũng lụy tại bờ biển Sông Đốc và cùng được an táng tại lăng. Theo tập quán tín ngưỡng, cá voi (còn gọi là cá ông) là loại thủy sản luôn cứu hộ các trường hợp tàu thuyền bị sóng gió nhận chìm trên biển nên người đi biển rất kính trọng, tôn thờ. Riêng các cá ông tại đây đã được triều nhà Nguyễn phong sắc thần với tên gọi “Nam Hải đại tướng quân” hay tên gọi “Đại Càn Nam Hải Thượng đẳng thần”. Bên cạnh đó, Lăng ông Sông Đốc còn được Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam trao bằng bảo trợ năm 2013.
Lễ hội văn hóa dân gian gần trăm năm tuổi
“Nghinh Ông” là ngày hội lớn của người dân vùng biển, là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, biểu hiện cho tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, cũng là dịp để bà con làm nghề biển cầu mong một năm làm ăn phát đạt, cùng nhau vượt khó vươn lên chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên”.
Rước “ông” ra biển. |
Hằng năm, vào ngày 15-2 âm lịch, Ban tổ chức Lăng ông Sông Đốc và nhân dân làm kiệu đặt lên đó “vong linh ông” đang ngự trị tại lăng và rước lên tàu tiến ra biển Tây với mục đích để “ông” (ông đã mất) gặp gỡ các “ông đang còn sống” trên biển, sau đó lại rước “ông” quay về. Trước đây, khi ra biển mà gặp “ông” phun nước thì đoàn sẽ quay về. Hiện nay, hình thức được áp dụng là đọc lời cầu nguyện và xin “keo”, khi xin được thì đoàn mới trở lại lăng xem như hoàn thành công việc. Mục đích là xin các “ông” đồng thuận độ trì cho quốc thái dân an, ngư dân đi biển gặp nhiều may mắn, thu hoạch nhiều thủy sản, người dân quanh vùng không hứng chịu dịch bệnh… Khi đoàn rước kiệu đi qua, các gia đình sẽ lập bàn thờ, thắp hương, bày biện trái cây và đứng trước nhà cung thỉnh khi đoàn hành lễ trong tiếng nhạc rộn ràng, sôi động, vui tươi. Lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc có nhiều nghi thức trang trọng mang đậm nét văn hóa dân gian xưa như: Trước giờ ra biển “nghinh ông”, buổi lễ chính tại chánh điện có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), cung nữ (các thiếu nữ), 12 nữ học trò lễ, 2 nữ cung hầu, 1 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sĩ đứng hầu tay giương cao các ngọn cờ nước, những lá cờ phướn có ghi dòng chữ “Nam Hải đại tướng quân” cùng hàng nghìn người chuẩn bị rước kiệu trong tiếng trống, tiếng kèn rộn ràng của đội nhạc lễ.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lễ hội chỉ duy trì phần lễ và cách thức tổ chức cũng đơn giản hơn. Cùng với đó ban tổ chức cũng đã vận động mọi người dân không nên tụ tập đông người, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế. Phần hội gồm: hát bội, thi đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắt vịt dưới sông, bóng đá mi ni… như những năm trước đều phải gác lại.
Phan Thị Anh Thư
Ý kiến bạn đọc