Gìn giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Êđê
Đan lát mây tre là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của đồng bào Êđê. Bằng bàn tay khéo léo của mình, đồng bào đã biến lồ ô, tre rừng thành những vật dụng chắc chắn, đẹp mắt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày.
Nhiều năm gần đây, cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều vật dụng hiện đại, tiện lợi ra đời khiến nghề đan lát của đồng bào Êđê ngày càng mai một. Ở huyện Krông Bông, một số nghệ nhân vẫn nỗ lực bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống, tự tạo việc làm những lúc rảnh rỗi và tăng thêm nguồn thu nhập.
Ông Y Đunh Hdrué (thường gọi Aê Siel) năm nay 81 tuổi, ở buôn Ja (xã Ea Trul) đã gắn bó với nghề đan lát khi mới 15 tuổi. Ông kể: “Ngày xưa đồng bào mình quanh năm sống bằng nương rẫy nên rất cần có những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt bằng mây tre đan. Từ nhỏ, mình thường đi theo cha vào rừng kiếm vật liệu về đan gùi, đan nong, nia. Thấy mình ham học hỏi, nên cha đã chỉ dạy tường tận cách đan các vật dụng bằng mây tre”.
Những sản phẩm gần hoàn thiện của ông Aê Siel. |
Đến nay Aê Siel đã có 65 năm kinh nghiệm làm nghề đan lát mây tre, tạo nên “thương hiệu Aê Siel”. Sản phẩm của ông làm ra không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà cả những khách hàng từ TP. Buôn Ma Thuột, huyện M’Drắk cũng tìm đến mua. Aê Siel chia sẻ, để có một sản phẩm chất lượng thì điều quan trọng nhất là tìm được nguyên liệu tốt, hiện nay những nguyên liệu như tre, nứa, lồ ô ngày càng khan hiếm nên vào những ngày cuối tháng các con ông phải vào tận trong rừng thuộc địa phận huyện Lắk để lấy. Tre, nứa, lồ ô phải chọn những cây thẳng và dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn và phải chọn những cây ít nhất từ một năm tuổi trở lên, vì những cây non quá thì sẽ bị giòn, dễ gãy. Sau khi chọn được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn đem về nhà, tùy theo từng loại mình muốn đan mà chia cắt ra từng đoạn cho phù hợp, những đoạn ngắn người đan vẫn có thể tận dụng để đan những vật dụng nhỏ hơn để tránh lãng phí nguyên liệu. Tiếp đến là công đoạn chẻ nan, chuốt nan, dao dùng để chuốt nan không được quá sắc hoặc quá cùn; chẻ nan, chuốt nan đòi hỏi làm sao cho mềm, nhẵn, đều để khi đan sẽ không bị kẽ hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp.
Trung bình một chiếc gùi Aê Siel làm từ 2 - 3 ngày, các sản phẩm khác thì nhanh hơn; ngoài ra, những lúc hết nguyên liệu ông còn làm thêm nghề rèn, nhiều dụng cụ rèn như: rìu, xà gạc, văng vít… do ông làm ra cũng được nhiều người ưa chuộng. Tùy theo kích cỡ mà giá bán một chiếc gùi dao động từ 120.000 - 300.000 đồng, một chiếc nia từ 50.000 - 150.000 đồng, một chiếc lồng gà 100.000 đồng. Vào những tháng cao điểm, thu nhập từ đan lát và nghề rèn mang lại cho Aê Siel nguồn thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng, tháng ít nhất cũng được 1 triệu đồng, có thêm khoản đáng kể để trang trải cuộc sống.
Những chiếc nia làm xong được ông Aê Siel trưng bày để khách tiện lựa chọn. |
Năm nay cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng ông Ama H’Luăt ở buôn Cư Ênum (xã Dang Kang) vẫn duy nghề đan lát vừa để kiếm thêm thu nhập vừa giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Do lớn tuổi, không thể tự đi vào rừng tìm nguyên liệu như trước đây nên ông thường đặt mua tre, lồ ô, mây về đan các vật dụng. Để bán được giá cao, Ama H’Luăt tập trung vào những sản phẩm có kỹ thuật đan nong hai, nong ba và trang trí hoa văn. Những chiếc gùi ông làm ra thường bán cho người dân đi rẫy nên giá cả dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu thì mỗi tháng Ama H’Luăt cũng có thu nhập hơn 1 triệu đồng từ nghề đan lát…
Không chỉ Aê Siel và Ama H’Luăt, ở các buôn làng vùng sâu trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn có nhiều người tận dụng thời gian nhàn rỗi đi kiếm nguyên liệu về tự đan những vật dụng đơn giản phục vụ cho chính gia đình mình.
Tuy nguồn thu nhập từ nghề đan lát truyền thống không cao nhưng nỗ lực gìn giữ nghề của các bậc cao niên ở huyện Krông Bông thật đáng trân trọng.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc