Bay bổng "Áo dài của chúng ta"
“Áo dài của chúng ta” là sự kiện trình diễn và tôn vinh áo dài do Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long phối hợp Tạp chí Tinh hoa Ðất Việt tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trung tuần tháng 4 vừa qua đã lan tỏa được giá trị của áo dài đến với cộng đồng.
Chương trình nằm trong khuôn khổ của chiến dịch “Áo dài di sản Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Chương trình hội tụ 15 bộ sưu tập (BST) áo dài của 15 nhà thiết kế (NTK) trong cả nước, được lấy ý tưởng từ những nét văn hóa nổi bật của 15 quốc gia trên thế giới, như NTK Trần Thanh Mẫn (Thừa Thiên - Huế) mang đến nét đẹp sang trọng, hoàng gia của Thái Lan, NTK Cao Duy (Tiền Giang) gửi đến hình ảnh những kỳ quan của đất nước Trung Quốc, NTK Ngọc Hân (Hà Nội) phác họa đất nước Ấn Ðộ qua những hoa văn cung đình…
Mỗi BST mang một vẻ đẹp riêng và đầy dấu ấn. Đơn cử như BST “Chăm pa khoe sắc” của NTK Trung Beret (Ðắk Lắk) với 17 bộ áo dài thể hiện vẻ đẹp của đất nước Lào. Anh Trung cho biết, họa tiết của trang phục được lấy từ các danh lam thắng cảnh, các địa danh nổi tiếng của đất nước Lào như: Tháp That Luang, cánh đồng Chum hay những công trình kiến trúc Phật giáo; đặc biệt là quốc hoa của Lào: hoa Chăm pa, loài hoa đại diện cho sự chân thành, niềm vui trong cuộc sống.
Sở dĩ NTK Trung Beret lựa chọn ý tưởng về đất nước Lào là vì anh sinh ra và lớn lên tại huyện Buôn Đôn, nơi có nhiều người Việt gốc Lào sinh sống. Từ nhỏ anh đã yêu thích văn hóa, những vẻ đẹp ấy và nay hiện thực hóa qua tà áo dài. NTK Trung Beret cho biết thêm, vào trung tuần tháng 4 hằng năm Lễ hội Bunpimay là hội mừng năm mới của các bộ tộc Lào tại Buôn Đôn được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Vì vậy, ra mắt BST “Chăm pa khoe sắc” cũng là món quà anh gửi đến nơi đây, mong họ sẽ càng thêm yêu quý tà áo dài Việt. Bởi từ lâu, trái tim của những con người ấy đã là một phần của đất nước Việt.
Ngoài ra, BST về chủ đề nước Việt Nam của NTK Huệ Thi (Cần Thơ) đã giới thiệu danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa của đất nước Việt thân yêu qua 18 áo dài. Những chi tiết như bản đồ Việt Nam được thể hiện mềm mại, cuốn hút trên tà áo dài truyền thống khiến nhiều người thích thú; cánh đồng muối, ruộng bậc thang, tranh dân gian Ðông Hồ, hoa sen… được chọn thể hiện, giúp người xem có một hành trình khám phá khá thú vị.
Nhà thiết kế Trung Beret (bìa phải) và áo dài trong bộ sưu tập "Chăm pa khoe sắc". |
Trong các BST của mình, các NTK chủ yếu sử dụng chủ yếu chất liệu đũi gai, một chất liệu truyền thống đang bị lãng quên để may áo dài; cùng với đó là kỹ thuật in, thêu, đính đá… làm cho tà áo thêm duyên dáng và điệu đà, nổi bật ý nghĩa.
Hơn 600 bộ áo dài trong “Áo dài của chúng ta” qua sự trình diễn của hơn 400 diễn viên, người mẫu đã tạo nên một sự kiện tôn vinh áo dài quy mô, đẳng cấp. Ðặc biệt, sự góp mặt của phu nhân đại sứ một số nước tại Việt Nam cùng các diễn viên gạo cội… đã tạo hiệu ứng lan tỏa. Cũng như những NTK khác, NTK Trung Beret cũng vô cùng tự hào khi đã có thể góp một phần nhỏ bé trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của cộng đồng; góp phần định danh và và định vị tà áo dài Việt Nam được bay xa hơn.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc