Multimedia Đọc Báo in

Lễ mừng thọ của người M'nông

15:38, 11/04/2021

Dân tộc M’nông còn bảo lưu nhiều lễ tục liên quan đến vòng đời người, trong đó đáng chú ý là các nghi lễ tạ ơn sinh thành.

Khi cha mẹ tuổi cao thì con cháu làm lễ tạ ơn và lễ mừng thọ cảm ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Những nghi lễ này thường được tổ chức vào tiết nông nhàn, sau lễ mừng lúa mới.

Lễ tục tạ ơn sinh thành của đồng bào M’nông mang nhiều ý nghĩa. Khi ông bà, cha mẹ đã già, trong nhà còn có con gái, con trai đỡ đần thì người con nào lập gia đình trước, có nhiều con cái rồi thì phải tách hộ ra riêng. Trước khi tách hộ phải ăn con trâu, uống vài ché rượu để tạ ơn ông bà, cha mẹ già. Lễ tạ ơn này cũng không cần phải mời nhiều khách, chỉ mời bà con gia tộc của mình là đủ. Ăn trâu xong phải có một ché rượu rlung tặng gia đình cha mẹ đẻ trước khi ra ở riêng. Chiếc ché rlung này là vật kỷ niệm báo hiếu mẹ cha. Sau này cha mẹ già mất đi thì người con gái ở lại sau cùng trong nhà chính được giữ chiếc ché làm của, làm vật gia bảo.

Nghi lễ quan trọng nhất nhằm tạ ơn sinh thành là lễ mừng thọ. Sự trường thọ của ông bà là niềm hạnh phúc cho con cháu, do đó họ làm lễ chúc thọ để mừng tuổi ông bà. Một người già chỉ được con cháu làm lễ chúc thọ vào một thời gian gần cuối cuộc đời.

Già làng M'nông thổi kèn Rlet.
Già làng M'nông thổi kèn Rlet.

Theo tục lệ của người M’nông, người con, người cháu trực tiếp nuôi cha mẹ, ông bà, khi nào thấy các cụ “hưởng tuổi trời” thì đứng ra tổ chức lễ mừng thọ. Lễ vật cúng gồm một con heo, một con trâu hoặc bò. Con cháu gần hay xa, để tỏ lòng kính trọng hoặc biết ơn cha mẹ, ông bà thì mỗi nhà đóng góp một ché rượu. Buổi lễ tổ chức vào ban ngày. Sáng sớm mọi người tập trung làm thịt heo, giết trâu bò, lấy miếng gan nấu cháo cho ông bà ăn. Họ buộc ché rượu thành một hàng, nhiều hay ít tùy theo số con cháu tham dự. Trong ngày lễ, con cháu dù ở xa hay gần cũng không thiếu vắng một người. Nếu người nào ở xa quá, chỉ để lại một con hoặc một cháu dâu, cháu rể trông coi nhà cửa, còn tất cả phải đi dự lễ chúc thọ.

Nghi lễ tiến hành như sau: Người ta dọn mô cơm trong một nhà dài, xung quanh mô cơm là những bát thịt trâu, ngoài ra còn có cơm nhão và cháo gan để mời cụ già ăn. Cả gia tộc trẻ già, lớn bé ngồi hai bên mô cơm, ăn chung bữa cơm đông vui với ông bà. Ăn cơm xong, con cháu ngồi thành một vòng quanh ông bà, rót một nồi rượu ché để chính giữa. Một người con hoặc cháu đại diện tặng quà chúc mừng cho ông bà, quà tặng thường là chăn đắp và áo khố mới dệt. Lời chúc tụng của người đại diện là những câu nói chân tình, kể lại những công lao của ông bà đã săn sóc, nuôi dạy con cháu trưởng thành, nên người. Lời chúc cuối cùng là cầu mong ông bà sống lâu với con cháu. Trong lúc này, ông bà kể hết chuyện đời, kể hết những nợ nần phải trả, phải đòi cho con cháu nghe; dặn dò cháu con sống thuận hòa, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc ông bà qua đời, con cháu đừng buồn, đừng khóc nhiều có hại cho sức khỏe, đừng đập phá chiêng ché, của cải tài sản, làm như vậy con cháu sau này sẽ nghèo khổ. Gia sản của ông bà để lại là của chung, không được tranh chấp nhau. Sau đó, con cháu uống rượu vui, suốt ngày đêm, bàn bạc với nhau về công việc, làm ăn và sinh kế trong tương lai.

Lễ mừng thọ của dân tộc M’nông biểu hiện những nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cái dành cho đấng sinh thành.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.