"Ngủ thăm", "ngủ thử" và "ngủ thật" trong văn hóa Tây Nguyên
Với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ngủ không chỉ là một nhu cầu tự nhiên mà còn là biểu hiện của văn hóa. Tục “ngủ thăm” trong văn hóa Tây Nguyên trở thành chủ đề thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.
Ở Tây Nguyên không có hiện tượng “chọc sàn”, “cạy cửa”, “thắp đèn chờ bạn trai đến ngủ”, “bắt chồng” hay “cướp vợ” như một số tộc người ở vùng núi phía Bắc, mà chỉ có thực hành “cưới chồng” hoặc “cưới vợ” sau khi các đôi nam, nữ yêu nhau được tôi luyện qua các bước “ngủ thăm”, “ngủ thử” và “ngủ thật”.
“Ngủ thăm”
Đối với người J’rai, Êđê, S’tiêng, M’nông, Bana hay Chu Ru, K’ho, Cil, Jẻ Triêng…, “ngủ thăm” không phải là một hiện tượng lạ, mọi người được quyền thực hành trong lễ hội hoặc trong sinh hoạt thường ngày. Trong xã hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, “ngủ thăm” là một trải nghiệm để giúp các chàng trai, cô gái rèn luyện bản lĩnh, làm chủ cảm xúc trước khi cưới vợ, cưới chồng. Trong sinh hoạt lễ hội, khi đêm về, lúc đôi chân đã mỏi, khi men rượu vừa đủ ngấm cũng là lúc nam nữ có nhu cầu tình tự, trải lòng nên họ có thể nằm ngủ bên cạnh bếp lửa trong ngôi nhà rông, nhà dài hay ngoài khu mộ địa... Khi ngủ, trai gái có thể đắp chung chăn nhưng chỉ được “ngủ chay” để giao lưu lành mạnh, mọi sự lạm dụng về thể xác sẽ bị tố cáo và bị trừng phạt theo luật tục.
“Ngủ thử”
Trong quá trình “ngủ thăm”, chàng trai nào gây được thiện cảm với cô gái thì họ bắt đầu tách cặp và chuyển qua giai đoạn “ngủ thử”. Tiếng Cơ Tu gọi là “lướt zướng”, tiếng Sê đăng gọi là “kuy pah oh pô” hoặc “kuy dăm tipo anghe kuôt”, tiếng Êđê gọi là “đăm sang mniê êra”, tiếng Stiêng gọi là “bic nhi gna sar ur”… Nguyên tắc “ngủ thử” của mỗi dân tộc khác nhau - những chàng trai Triêng ở Ngọc Hồi, Kon Tum thường “ngủ thử” bên cạnh bếp riêng nhà cô gái. Người Êđê, J’rai, M’nông… thì được ngủ ở gian khách của gia đình người yêu. Việc “ngủ thử” để thăm dò tình cảm của nhau có thể được kéo dài cả tháng hoặc nhiều hơn. Nếu chàng trai ngủ nghiêm túc và giữ được bản lĩnh của mình qua những lần “ngủ thử”, “ngủ dò” thì sẽ chiếm được tình yêu của cô gái và được chọn làm chồng.
Nếu chàng trai phạm vào “vùng cấm” thì sẽ bị cô gái tố cáo và bị xử phạt rất nặng theo luật tục. Hiện vật bị phạt có thể bằng trâu, bò, heo trước sự phân xử của cộng đồng. Tương tự, nếu cô gái nào dễ dãi cho chàng trai “ăn trái cấm” trước khi kết hôn cũng sẽ bị cộng đồng lên án vì đã tiếp tay cho sự xấu xa - và họ phải nộp phạt, thậm chí bị đuổi ra khỏi buôn, làng. Từ những điều cấm kị khắt khe này cho thấy nhân cách, đạo đức của các chàng trai, cô gái được đánh giá không chỉ bằng tài năng, trí tuệ, sức lao động mà còn được nhìn nhận qua những lần thử thách trong tình yêu đôi lứa.
“Ngủ thật”
Sau khi kết thúc giai đoạn “ngủ thử”, “ngủ dò” - các cô gái thường thổ lộ tình cảm của mình với mẹ hoặc bà. Sau đó, cha mẹ của các cô gái mời những người đại diện hai bên để làm các thủ tục cưới hỏi. Sau hôn lễ, các chàng trai, cô gái ấy được gia đình chính thức chấp nhận là vợ chồng và lúc ấy mới được phép “ngủ thật”. Có những dân tộc sau cưới hỏi mới được “ngủ thật”, nhưng cũng có những trường hợp vì chưa đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới nên hai họ làm lễ “cam kết” để đôi trai gái được “ngủ thật” đến khi sinh con, đẻ cái, kinh tế phát triển mới làm lễ cưới sau.
Như vậy, có thể thấy “ngủ thăm”, “ngủ thử” và “ngủ thật” là quá trình trải nghiệm, rèn luyện cảm xúc, bản lĩnh của các chàng trai, cô gái trước khi kết hôn. Đây là một hiện tượng văn hóa đặc trưng, phổ biến trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố khách quan, hiện nay hiện tượng văn hóa này đã có nhiều biến tướng hoặc bị lợi dụng. Do thiếu hiểu biết và nhẹ dạ, cả tin nên một số cô gái ở vùng sâu, vùng xa thành nạn nhân của sự lừa gạt hoặc rơi vào hoàn cảnh phải làm mẹ đơn thân.
Để ngăn chặn việc lợi dụng “văn hóa ngủ” này ở Tây Nguyên, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người hiểu đúng đắn và có ứng xử phù hợp. Đặc biệt, hiện tượng “ngủ thăm”, “ngủ thử” và “ngủ thật” trong văn hóa Tây Nguyên không chỉ là phong tục đẹp, thú vị mà còn là nét độc đáo, thể hiện tính nhân văn của mỗi cộng đồng dân tộc ở đây trong bối cảnh thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam hiện nay.
Tuyết Nhung Buôn Krông
Ý kiến bạn đọc