Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Những điều trăn trở

06:49, 09/05/2021

Trung tuần tháng 4-2021, tại tỉnh Kon Tum, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý Di sản văn hóa phi vật thể Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong 5 năm qua. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến bày tỏ những suy tư, trăn trở đáng trân trọng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiêu biểu này.

Trong thời gian qua, 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Tình trạng “chảy máu" cồng chiêng đã cơ bản được ngăn chặn; nhiều nghi thức, nghi lễ gắn với văn hóa cồng chiêng đã được phục dựng và có mặt ở nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây Nguyên đã vang lên ở nhiều nước trên thế giới và trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là khách quốc tế đến tìm hiểu, thưởng thức và trải nghiệm, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng qua các lễ hội cộng đồng. Ảnh: Đặng Bá Tiến
Bảo tồn văn hóa cồng chiêng qua các lễ hội cộng đồng. Ảnh: Đặng Bá Tiến

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung hiện phải chịu sự tác động rất lớn từ nhiều yếu tố không thuận lợi khác nhau khiến hầu hết các tỉnh trong khu vực gặp một số khó khăn nhất định. Đó là không gian diễn xướng bị thu hẹp, mai một; chính sách, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ cho các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân cồng chiêng nói riêng chưa thỏa đáng và kịp thời; công tác quản lý, phối hợp bảo vệ cồng chiêng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, trình trạng trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương. Kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những nội dung đề ra nhưng chưa thực hiện được do hạn hẹp về kinh phí. Điều đáng lưu tâm hơn là, dù là chủ nhân của Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nhưng tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng vẫn chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng, chưa có một cơ sở đúc chiêng, số lượng bộ cồng chiêng hiện có của 5 tỉnh Tây Nguyên đều là do mua bán, trao đổi ở các địa phương khác.

Đã có nhiều ý kiến, tham luận, bài viết đề cập đến các nội dung liên quan nói trên tại hội nghị lần này - và người viết với tư cách là nhà quản lý văn hóa xin đưa ra ba ý kiến sau đây nhằm triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có hiệu quả và thực chất hơn trong thời gian tới.

 

Qua hai đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (Văn hóa phi vật thể, trong đó có văn hóa cồng chiêng) vào năm 2015 và 2019, tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 134 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Nhân dân được Chủ tịch nước công nhận. Đã có gần 100 nghi lễ, lễ hội tiêu biểu liên quan đến diễn xướng cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ được phục dựng và tái hiện, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội. 

 

 
(Báo cáo tại Hội nghị đánh giá công tác Quản lý di sản Văn hóa phi vật thể Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Kon Tum)

Thứ nhất, đến nay chưa có một đề án tổng thể, quy hoạch văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thật bài bản, chiến lược. Qua báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa của các tỉnh đã vào cuộc nhưng chưa đồng bộ (về kinh phí, giải pháp thực hiện các đề án, dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; cũng như chưa đồng loạt vào cuộc khảo sát, đánh giá một cách thực chất về thực trạng Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện nay). Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cần đứng ra đảm trách việc này với vai trò đầu mối và điều phối chặt chẽ, thường xuyên và thống nhất những vấn đề đã nêu; trong đó cần chú ý đến nhu cầu của cộng đồng đối với di sản mà họ đang sở hữu. Bởi trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay, không nhất thiết đòi hỏi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải quay trở lại như những gì trong quá khứ từng có, mà cần căn cứ vào thực tiễn cụ thể của mỗi địa phương để có những định hướng phù hợp, thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trước đời sống đương đại.

Thứ đến, trong 15 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên mới tổ chức được 5 kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng vào các năm 2007, 2017 (tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk); năm 2009, 2018 (tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và năm 2015 (tại TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Có thể nhận thấy các kỳ festival này chưa được định hướng thống nhất, chưa có định kỳ, còn đơn lẻ và tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương. Việc này rất cần sự chỉ đạo chính thức từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch để khắc phục, hoàn thiện hơn trong công tác giới thiệu, quảng bá di sản đến với công chúng trong nước và quốc tế.

Diễn xướng cồng chiêng tại một lễ hội được tổ chức ở huyện Buôn Đôn.  Ảnh: Hoàng Gia
Diễn xướng cồng chiêng tại một lễ hội được tổ chức ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

Cuối cùng là phải tạo nên động lực mới để tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên. Động lực ấy chính là vận dụng linh hoạt và đa dạng hình thức “tiếp sức” cho văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện diện sinh động trong đời sống cộng đồng, xã hội bằng nhiều nguồn lực khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Thiết nghĩ, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là cơ hội không thể tốt hơn giúp các tỉnh Tây Nguyên tận dụng để tạo “cú hích” cho văn hóa cồng chiêng ở đây phát triển trong thời gian tới.

Đặng Gia Duẩn

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ðắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.