Định vị cho cà phê
Ngọt đắng là hương vị đặc trưng của ly cà phê mỗi sớm - và ở đâu cũng vậy, hương vị này luôn quyến rũ, thăng hoa người thưởng thức. Riêng với Buôn Ma Thuột, vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của cả nước thì cảm nhận ấy còn được hiểu và chia sẻ thêm về đời sống sản xuất, sinh hoạt khá đặc thù từ đặc sản nức tiếng này.
Có thể nói cà phê đã đem lại cuộc sống sung túc cho người dân Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung từ nhiều thập kỷ qua, nhất là khi loại cây trồng này được xác định là ngành hàng chủ lực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Từ đây, cây cà phê được đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, năng suất, chất lượng hơn nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Do vậy, người trồng cà phê ngày thêm gắn bó với vườn rẫy của mình - từ trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến đến thưởng thức và mua bán qua từng niên vụ.
Dù được giá hay rớt giá, người làm cà phê vẫn chung thủy với dư vị mà mình đã chọn, từng bước tạo nên đời sống sản xuất, sinh hoạt rất riêng trên vùng đất này. Từ nét riêng có ấy, nhiều người đã nghĩ đến việc định hình và xác lập giá trị văn hóa cho cà phê dưới nhiều góc nhìn khác nhau với mục đích là để hương vị đặc sản này ở Buôn Ma Thuột lan tỏa hơn, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.
Không gian thưởng lãm cà phê tại Bảo tàng thế giới cà phê của tập đoàn Trung Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng |
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện tại ngành cà phê Việt Nam với đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh theo phương châm: “Năng suất - Chất lượng - Giá trị - Gia tăng” đã và đang mở ra điều kiện, cơ hội cho hương vị này lên ngôi với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6 tỷ USD. Trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống cho người trồng cà phê, nhất là vùng trọng điểm Tây Nguyên.
|
Động thái đầu tiên là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất được tổ chức (vào trung tuần tháng 3-2009) nhằm quảng bá, tôn vinh cộng đồng sản xuất và kinh doanh ngành hàng chiến lược này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Còn nhớ lúc ấy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh: Thông qua lễ hội để kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư có chiều sâu và bền vững cho hàng vạn nông hộ sản xuất cà phê ở đây, để làm sao khi nhìn vào đó ai cũng nhận ra đời sống của dân cà phê có nét khác biệt so với các vùng miền khác trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và hưởng thụ. Và chính sự khác biệt ấy sẽ khơi gợi các giá trị về văn hóa cà phê mà chúng ta đang hướng tới và xác lập bước đầu.
Cùng chung ý tưởng ấy, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu khoa học cho rằng: Điều quan trọng nhất để biến Buôn Ma Thuột thành “Thủ phủ cà phê” là phải tạo lập được không gian sống (bao gồm hoạt động sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng) cho cộng đồng đã gắn bó mật thiết với loại cây đặc sản này, để bất kỳ ai đến đây cũng cảm nhận được giá trị, bản sắc có được trong đời sống của người trồng cà phê khác với dân làm lúa, hay trồng cây ăn trái như thế nào? Bởi nói cho cùng, đời sống thực tế sinh ra các giá trị văn hóa - và cũng từ yếu tố văn hóa ấy có tác động trở lại chi phối đời sống theo hướng tích cực, thăng hoa hơn. Vì thế câu chuyện xác lập giá trị vật chất cũng như tinh thần cho cà phê ở vùng đất này phải được xây dựng, hình thành trên chuỗi gia tăng giá trị kinh tế, văn hóa được cả cộng đồng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ ngành hàng này làm nên. Đó là ngành hàng này đã tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu lao động, thu về hàng tỷ đô la mỗi năm, thông qua việc xuất khẩu cà phê tới gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đồng thời nâng tỷ lệ tiêu thụ cà phê nội địa lên gần 18% trên tổng sản lượng hơn 450.000 tấn mỗi năm...
Rõ ràng cà phê thật sự đóng vai trò, sứ mệnh quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Vì thế, vào cuối tháng 11-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định lấy ngày 10-12 hằng năm làm Ngày Cà phê Việt Nam nhằm biểu đạt tinh thần, nhận thức của cộng đồng sản xuất và kinh doanh ngành hàng chiến lược này.
Phương Đình