Góc nhìn đa dạng về văn hóa của các dân tộc thiểu số
Mỗi cộng đồng dân tộc đều có một nền văn hóa khác nhau và chính sự khác nhau đó đã làm nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
Điều đó hẳn ai cũng biết, tuy nhiên khi tiếp cận, tìm hiểu và phản ánh (nhất là trên các phương tiện truyền thông) thì vẫn còn không ít quan niệm cứng nhắc hoặc hiểu sai vấn đề, dẫn đến cách hành xử chưa thỏa đáng đối với sự khác biệt ấy.
Phổ biến và dễ thấy nhất là nhiều thực hành văn hóa, xã hội cũng như tập quán sản xuất của các tộc người thiểu số bị báo chí dán cho những “nhãn” tiêu cực như “lạc hậu”, “cổ hủ”, “mê tín dị đoan”, “lãng phí”… Cách hiểu sai lệch và định kiến này có thể để lại những hệ quả tiêu cực không mong đợi trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống, cũng như trong việc phát huy nội lực của các tộc người trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hòa hợp chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Ví như tập tục “nối dây” (duê nuê) của một số tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, người ta cho đó là cổ hủ, lạc hậu cần phải phê phán và loại bỏ. Trong khi đó, theo TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường Đại học Tây Nguyên) cũng như một số nhà nghiên cứu văn hóa người Êđê, Jrai hay Bana… cho rằng đây là tập tục hết sức nhân văn. Tính nhân văn thể hiện ở chỗ, đối với con cái chưa trưởng thành của người quá cố thì cuộc hôn nhân mới được xác lập theo tập tục này sẽ đem lại cho những đứa trẻ mất cha (hoặc mẹ) sự chăm sóc, nuôi dưỡng ân cần và chu đáo từ chính người thân thiết nhất trong gia đình có chung dòng máu với cha/mẹ chúng. Theo đó, người chồng hoặc vợ (còn sống) sẽ có một nơi nương tựa để tiếp tục nối dòng cũng như bảo đảm sự nguyên vẹn tài sản mà gia đình đã gây dựng nên.
Ảnh minh họa |
Tập tục duê nuê cũng không vi phạm quyền tự do hôn nhân mà vẫn đảm bảo được tính dân chủ, tự nguyện trong hôn nhân. Bởi vì theo luật tục, người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với anh/em rể hoặc chị/em vợ hoàn toàn có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Thay vào đó, nếu cô gái không muốn lấy anh rể sau khi chị gái mất đi thì gia đình cô gái hoặc chính cô gái đó là người nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để người anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và trong trường hợp này, người anh rể phải để lại con cái cùng toàn bộ tài sản mà trước đó hai vợ chồng gầy dựng được cho gia đình bên vợ để có điều kiện chăm sóc cho những đứa trẻ khôn lớn sau này. Nếu dòng họ vi phạm tính chất tự nguyện trong hôn nhân của tục duê nuê cũng đồng nghĩa với việc vi phạm luật tục của cộng đồng.
Đối với tục “thách cưới” của các dân tộc ít người trên địa bàn Tây Nguyên - do chỉ nhìn vào khía cạnh giá trị kinh tế của vật lễ (nhiều khi rất lớn), trở thành gánh nặng cho các gia đình nên bị giới truyền thông phê phán gay gắt. Tuy nhiên dưới góc độ xã hội thì tục thách cưới thực chất là một thực hành văn hóa hết sức quan trọng. Tập tục này đóng vai trò và chức năng trong việc “hợp pháp hóa” các cuộc hôn nhân, tạo các mối quan hệ giữa các nhóm thành phần trong xã hội. Đồ sính lễ có giá trị được coi như sợi dây ràng buộc cuộc sống vợ chồng thêm bền vững hơn. Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm cho rằng: Với chế độ mẫu hệ của người Êđê, sau khi làm lễ cúng tạ ơn cho họ hàng, hai bên gia đình sẽ làm cam kết - nếu người vợ tự ý bỏ chồng thì phía nhà gái phải mất toàn bộ đồ sính lễ được nhà chồng thách cưới. Thêm nữa, thách cưới không phải là tập tục cứng nhắc, mà tùy theo điều kiện kinh tế để hành xử. Nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn thì hai bên thông gia có thể cho “nợ”, sau đó trả dần hoặc trả bằng công sức lao động hằng ngày.
Hay như việc thực hành “cái cuốc đầu nhọn” được sử dụng trong canh tác nương rẫy của các tộc người miền cao được TS. Nguyễn Trường Giang (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) nhìn nhận qua công trình nghiên cứu khoa học hết sức nghiêm túc “Đa dạng văn hóa - Bài học từ những câu chuyện thực tiễn”, rằng đó là nông cụ tối ưu chứ không phải thô sơ, lạc hậu như một số ý kiến phản ánh theo hướng chê bai, xem thường chủ nhân của phương thức canh tác trên. Bởi qua quan sát, trải nghiệm của người nông dân ở miền núi thì dùng cái cuốc đầu nhọn để tra hạt thường cho tỷ lệ nảy mầm cao hơn so với dùng cày, cuốc. Hơn nữa, dùng cuốc đầu nhọn trên địa bàn canh tác có độ dốc lớn sẽ hạn chế được tình trạng xói mòn đất hơn là các nông cụ hiện đại. Từ những ưu điểm trên cho thấy dùng công cụ ấy để tra hạt là một sáng tạo độc đáo của cư dân nương rẫy, là sản phẩm văn hóa được đúc kết từ kinh nghiệm hàng trăm năm của người dân nhằm thích ứng và khai thác hiệu quả, bền vững môi trường tự nhiên, cũng như giảm thiểu sức lao động của con người trong điều kiện và hoàn cảnh còn khó khăn.
Hy vọng những diễn giải trên sẽ cung cấp cho bạn đọc một cách nhìn khác, để có thể hiểu sâu hơn về những thực hành văn hóa phong phú và đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay, từ đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giảm dần định kiến và có được chính sách phù hợp cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đình Đình