Multimedia Đọc Báo in

Đọc "Sóng ở đáy sông" và "Thời xa vắng" với diện mạo mới

09:16, 11/07/2021

Chắc hẳn độc giả yêu văn chương không xa lạ với cái tên Lê Lựu cùng hai tiểu thuyết nổi tiếng của ông là “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng”. Hai tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn Lê Lựu khi được độc giả say mê tìm đọc và đã được chuyển thể thành phim.

Mới đây Công ty Cổ phần Sbook cùng với Hội Nhà văn Việt Nam đã tái bản hai tiểu thuyết trên với diện mạo mới. Bằng màu sắc hài hòa, những nét vẽ khắc họa hình ảnh làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và những gương mặt đại diện cho xã hội thời bấy giờ, bìa của 2 cuốn tiểu thuyết được họa sĩ Kim Duẩn vẽ, họa sĩ Linh Giang minh họa đã gây ấn tượng với độc giả. Đây được xem như lời tri ân nhà văn Lê Lựu về những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà cũng như mong muốn của Sbook muốn đưa những tác phẩm nổi tiếng của những nhà văn tên tuổi Việt Nam đến gần với độc giả hơn...

Bìa của hai cuốn tiểu thuyết
Bìa của hai cuốn tiểu thuyết "Sóng ở đáy sông" và "Thời xa vắng" của Nhà văn Lê Lựu.

Tiểu thuyết “Thời xa vắng” in lần đầu năm 1986 và đoạt giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Tiểu thuyết kể về cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé cứ ám ảnh nhân vật chính là Sài. Ngay cả khi nhường suất học cho Hương, Sài đi bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài là một nghệ sĩ, khi không thể thỏa mãn vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những tưởng tượng trong chính nhật ký của mình. Bi kịch lại đến khi cuốn nhật ký đó bị tịch thu, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu rếu, kỷ luật Sài. Bị ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như cái ý định mà anh cho là dũng cảm: “Hãy im lặng chịu đựng!”…

Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” in lần đầu năm 1994, sau đó chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên rất được khán giả yêu thích. Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của Núi - người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần "không thể kìm hãm trước con ở đang thời bừng dậy rừng rực". Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối và bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… Một mảng màu tối, nhưng có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Độc giả lắng nghe “Sóng ở đáy sông” được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.

Tiểu thuyết “Thời xa vắng” và tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” thể hiện vốn hiểu biết và sự trải nghiệm phong phú về làng quê Bắc bộ của nhà văn Lê Lựu. Những định kiến ấu trĩ, những quan niệm lạc hậu đã tạo ra những bi kịch. Thế nhưng, sự ấm áp của mỗi nếp nhà và sự yêu thương của mỗi con người vẫn có sức cảm hóa kỳ diệu với từng số phận hẩm hiu.

Thúy An


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.