Multimedia Đọc Báo in

Hồn lúa của đồng bào M'nông

08:24, 09/07/2021

Người M’nông canh tác nương rẫy lâu đời và kinh tế nương rẫy đóng vị trí hàng đầu. Cách trỉa phổ biến bằng gậy chọc lỗ tra hạt. Nông cụ gồm dao dùng phát rẫy, rìu đốn cây, cuốc để xới đất, ống nứa đựng hạt giống, giỏ, gùi đựng lúa...

Thu hoạch lúa được tuốt bằng tay. Người M’nông rất tin vào thần lúa. Họ quan niệm rằng, khi thần lúa ở lại với gia đình mình thì làm rẫy sẽ luôn được mùa, trúng lúa, ăn đủ năm, giáp hạt. Lúa dư thừa có thể đổi được trâu bò, tài sản, vật dụng trong gia đình. Nếu vi phạm các điều kiêng kỵ, thần lúa sẽ bay về trời, làm rẫy lúa xấu, mất mùa, đói kém.

Việc canh tác lúa rẫy phụ thuộc vào thiên nhiên, có năm được mùa nhưng cũng có năm thất bát. Nhiều gia đình làm rẫy to, trỉa mất 4 - 5 gùi lúa giống, nhưng khi thu hoạch chỉ được vài chục gùi, hoặc chỉ có vài gùi. Năm bị mất mùa, thiếu ăn, đồng bào phải đi xin đi mượn bà con, bán trâu bò đổi lúa hoặc phải đi đào củ mài để ăn qua ngày. Lúc đó, một con trâu bò chỉ được từ 10 - 15 gùi lúa, con trâu đực to mới được 20 gùi. Nhưng không phải ai cũng có nhiều lúa để đổi, đành phải chịu sống qua ngày với củ mài, trái giẻ, củ măng, măng le. Thỉnh thoảng cũng có mùa bội thu, chỉ trỉa có một gùi giống lúa mà thu được trăm gùi hoặc hơn.

Mùa tuốt lúa của đồng bào M'nông.
Mùa tuốt lúa của đồng bào M'nông.

Để có những vụ mùa bội thu, người M’nông có nhiều nghi lễ cúng thần lúa và thực hành nhiều điều kiêng cữ liên quan đến hồn lúa. Khi mang gùi lúa phải hết sức cẩn thận, xem lại dây quai có chắc không. Người M'nông cho rằng, nếu đang mang lúa mà bị đứt dây gùi làm đổ lúa trên đường thì thần lúa sẽ hoảng sợ bay đi, không còn ở với gia đình mình nữa. Mang lúa qua cầu, lội qua suối càng phải cẩn thận, không để đứt dây gùi hoặc vấp té làm lúa đổ xuống nước, xuống bùn, làm thần lúa bị chết đuối. Chiếc gùi đựng lúa, cái nia phơi lúa, khi lấy xuống treo lên sàn lên vách phải nhẹ nhàng, không được quăng, không làm rơi, làm thần lúa đang ở trong gùi, trong nia sợ hãi bỏ đi. Đang giã lúa, giã gạo cũng không được ngã cối, làm đổ lúa gạo xuống đất. Chiếc cối, cái chày giã gạo cất vào lấy ra nhẹ nhàng. Muốn rửa cối phải nghiêng từ từ mà đổ nước trong cối ra, không được ngã cối, ngã chày.

Khi xảy ra hỏa hoạn, nhà bị cháy, chòi rẫy bị cháy, dù chỉ bị cháy ít hạt lúa hoặc khi sấy lúa, bất cẩn làm rơi hạt lúa vào lửa, thần lúa sẽ quở phạt, làm cho gia đình bị ốm đau hay gặp rủi ro. Muốn cho thần lúa hết giận, trở về với gia đình thì phải cúng tạ lỗi. Trường hợp làm cho thần lúa sợ hãi bay đi thì chỉ cần cúng rượu, gà hoặc lợn. Đến ngày lễ cúng lúa To ba (mừng lúa mới) phải hiến sinh một con bò để gọi thần lúa trở về với gia đình. Trường hợp lỡ làm lúa bị rơi xuống suối, xuống bùn sình lầy, hạt lúa bị cháy phải cúng đủ lễ để bồi thường thiệt hại cho thần lúa. Lễ vật gồm vịt, chó, lợn, dê và cuối cùng hiến tế một con bò.

Lễ cúng được tiến hành như sau: Chủ lễ đến nơi lúa bị đổ xuống suối hoặc xuống bùn sình lầy cúng dâng thần lúa những lễ vật và gọi thần lúa về. Sau đó về nhà giết lợn và mang ché rượu cúng trên bồ lúa khấn vái gọi thần lúa về ở trong bồ. Trường hợp làm lúa bị cháy trong nhà hoặc ngoài rẫy thì phải giết con vịt, con chó tại nơi đó. Máu chó và máu vịt hòa với rượu đựng trong cái bát làm bằng quả bầu khô rồi dùng lá bằng lăng và lá mây song mỗi thứ một nhánh nhúng vào bát và quét trên mặt đất, nơi lúa bị cháy làm cho thần lúa mát mẻ, hết bị nóng nhiệt và chữa cho thần lúa khỏi bị phỏng. Nước rượu còn thừa đổ luôn xuống đất nơi lúa bị cháy. Các con vật hiến sinh được nướng ăn ngay tại chỗ đó. Về đến nhà họ còn giết một con lợn, một con bò cúng trên bồ lúa để gọi thần lúa về ở trong bồ. Trường hợp lúa bị cháy thì cúng vịt, chó, lợn, bò, cuối năm đầu vụ cúng To ba phải giết một con trâu. Sang năm sau khi làm lễ cúng Chut njuh (lễ cúng lúa trổ bông) thì chủ lễ phải tạ thần lúa một con dê.

Tín ngưỡng thờ thần lúa là nét đặc trưng của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, dân tộc M’nông nói riêng. Niềm tin, tập tục và những thực hành kiêng cữ của đồng bào thể hiện thế giới quan bản địa với những quan niệm, ứng xử hồn nhiên giàu tính nhân văn.

Tấn Vịnh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.