Multimedia Đọc Báo in

Thăm địa đạo Vịnh Mốc

08:23, 20/08/2017

Khu di tích Lịch sử quốc gia địa đạo Vịnh Mốc tọa lạc tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Trên đường đến Vịnh Mốc, dọc theo dòng sông Bến Hải đến khu vực biển Cửa Tùng là phong cảnh thanh bình, hoang sơ với những rừng phi lao reo vi vu trong gió, những bãi cát mịn màng, ngút mắt tắm nắng biển khơi, những xóm làng bình yên khuất mình trong những rừng trúc, tre bạt ngàn… Khung cảnh bình yên như thế nhưng hơn 50 năm về trước, đây là vùng đất ác liệt trong khói lửa chiến tranh…

Sau năm 1954, với vị trí chiến lược, là đầu cầu giới tuyến, một địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt, Vĩnh Linh trở thành một đặc khu trực thuộc Trung ương, tập trung quân lực, kho tàng, đạn dược của miền Bắc hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngoài khơi Vĩnh Linh còn có đảo Cồn Cỏ, được ví như “con mắt thần” của khu Bốn cũ. Vì vậy, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu số một của bom đạn Mỹ khi chúng thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nơi đây trở thành bãi thử nghiệm nhiều loại vũ khí, khí tài chiến tranh hiện đại  của Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê, từ năm 1964 đến năm 1972, Mỹ đã ném xuống Vĩnh Linh hơn nửa triệu tấn bom các loại, tính bình quân mỗi người dân ở khu vực này phải hứng chịu 7 tấn bom và 10 quả đại bác. Để đứng vững, chiến đấu chống quân thù, quân dân lũy thép Vĩnh Linh đã nảy ra một ý tưởng táo bạo: xây dựng địa đạo như ở Củ Chi! Các chiến sĩ Đồn biên phòng 140 cùng nhân dân Vịnh Mốc đã đào địa đạo kỳ vĩ này với 18.000 ngày công. “Làng hầm” nằm gọn trong lòng quả đồi đất đỏ rộng 7 ha, có độ cao chừng 30 m hơn mặt nước biển. Hệ thống địa đạo dài trên 2 km có nhiều nhánh, với 13 cửa ra vào; lúc cao điểm, địa đạo có hơn 1.500 người ở.

Du khách thăm địa đạo Vịnh Mốc.
Du khách thăm địa đạo Vịnh Mốc.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Vĩnh Linh anh hùng, bất khuất đã đứng vững và đánh bại cuộc chiến tranh hủy diệt của kẻ thù bằng sự thông minh, anh dũng, sáng tạo, làm nên kỳ tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà địa đạo Vịnh Mốc là một minh chứng hùng hồn nhất, đến ngày nay vẫn còn để lại dấu ấn sâu đậm cho những ai một lần ghé qua vùng đất này.

Sau khi đến thăm Nhà bảo tàng khu di tích Vịnh Mốc, du khách lần lượt tham quan các cửa hầm, lỗ thông hơi và vào cửa hầm số 3 để xâm nhập địa đạo. Tầng 1 cách mặt đất  từ  8 - 10 m là nơi chiến sĩ, dân quân cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời khi có báo động. Đường đi có nơi cao chừng hơn 1,7 m, rộng 1 m, vài đoạn ngắn thấp chừng 1,5 m phải khom lưng. Qua một khúc quanh, có những bậc đất cứng như nấc thang, du khách tiếp tục xuống tầng 2 của địa đạo. Địa đạo khoét trong lòng đất sét pha cát không thấm nước, đất ngày càng khô cứng, chắc chắn hơn do nó tiếp xúc với gió, không khí qua những lỗ thông hơi khoét ra hướng biển. Tầng 2 sâu trung bình từ 12 m – 15 m; cứ 4 – 5 m lại có một hầm khoét vào vách rộng cỡ  0,8 m, sâu 1,8 m dùng cho một hộ gia đình 4 người ở. Chiêm ngưỡng những bức tượng sống động tái hiện cuộc sống nơi địa đạo, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên và thán phục, bởi dường như cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như thể không có mưa bom bão đạn ngoài kia. Này là một gia đình có hai con ngồi trên một cái chõng tre, tựa lưng vào vách, người mẹ đang vá quần áo, người cha đang lật tập sách dạy con học trong ánh sáng của ngọn đèn bão thắp bằng mỡ heo. Ở một hầm khác, ta gặp nhà hộ sinh có một cô mụ đang bồng một đứa trẻ vừa mới sinh ra. Vài khúc địa đạo phình ra được sử dụng làm hội trường có sức chứa hơn 50 người, làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim. Tất cả diễn ra trong lòng đất chật hẹp, thiếu hoàn toàn ánh sáng mặt trời. Đã có 17 đứa bé được sinh ra trong địa đạo. Và không có ai bị thương tật trong suốt thời gian sống trong điều kiện vô cùng khó khăn ấy.

Tầng 3 của địa đạo sâu 22 m, không gian yên lặng đến vô cùng. Đây là nơi xưa kia được quân dân Vĩnh Linh dùng làm kho chứa hàng phục vụ chiến đấu và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ ngoài khơi.

Ra khỏi địa đạo, ánh sáng bừng lên chói chang, rực rỡ. Du khách cảm thấy như mình vừa trở lại thế gian! Và trong lòng tràn ngập niềm cảm phục những chiến sĩ, nhân dân Vịnh Mốc đã gần 2.000 đêm sống trong lòng đất, bám vững địa đạo, chiến đấu ngoan cường, oanh liệt đánh thắng kẻ thù xâm lược.    

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.