Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội: Thay đổi chính sách để phù hợp thực tiễn

07:00, 30/10/2023

Những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng số người tham gia, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để việc phát triển bền vững và lâu dài đòi hỏi phải có chính sách phù hợp với thực tiễn.

Mở rộng đối tượng

Sau hơn 8 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, dù diện bao phủ BHXH và số người tham gia trên địa bàn tỉnh qua các năm có tăng nhưng vẫn còn thấp so với số lao động trong độ tuổi.

Trước thực trạng đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã (HTX) không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Cán bộ BHXH huyện Krông Bông giải quyết thủ tục bảo hiểm cho người dân.

Thực tế cho thấy, một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, phải kể đến nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, người lao động có chế độ làm việc linh hoạt. Với nhóm đối tượng này, con số tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện chiếm rất ít. Trong khi đó, nếu đưa vào diện bắt buộc tham gia BHXH thì sẽ là con số rất lớn; hơn thế nữa, nó sẽ góp phần giảm áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho những lao động này khi họ đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi hưởng trợ cấp xã hội.

 

Tính đến cuối tháng 9/2023, toàn tỉnh có  109.314 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2.368 người so với cuối năm 2022 (đạt 97,26%); 17.453 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 978 người so với cuối năm 2022 (đạt 74,01%).

Được biết, hiện nay toàn tỉnh có trên 770 HTX thu hút hơn 69.500 thành viên tham gia; tạo việc làm cho hơn 22.500 lao động. BHXH tỉnh đang thực hiện thu BHXH tự nguyện của 33 người là chủ hộ kinh doanh cá thể, chủ doanh nghiệp. Việc bổ sung nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc giúp họ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng tương đương với mức đóng góp; hơn thế nữa sẽ phát triển được một lượng lớn đối tượng tham gia, bảo đảm an sinh xã hội sau này.

Gia tăng quyền lợi

Trước thực trạng nhiều người lao động tham gia BHXH bắt buộc đã nghỉ việc và người dân tham gia BHXH tự nguyện rút một lần, không ở lại hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội thì việc thay đổi chính sách với chiều hướng gia tăng quyền lợi cho người tham gia là việc làm hết sức cần thiết.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đỗ Thị Hằng bày tỏ, quá trình triển khai Luật BHXH năm 2014 không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội; do đó, việc bổ sung các quyền lợi cho người tham gia là giải pháp thiết thực để thu hút đối tượng tham gia mới cũng như giữ chân người cũ. Theo đó, trong Luật BHXH 2014, BHXH tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ hưu trí và tử tuất; không có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như bảo hiểm bắt buộc.

Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung chế độ trợ cấp thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm thu hút sự tham gia của những người lao động không có quan hệ lao động cũng như đảm bảo sự công bằng về chế độ thai sản giữa những lao động nữ làm việc ở các khu vực khác nhau - chính thức và phi chính thức. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi, tham gia BHXH tự nguyện.

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến tận hộ gia đình.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia muộn cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần…

Thực tiễn cho thấy, thường phải mất một quá trình dài người dân mới có thể hiểu, thấy được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH. Để rút ngắn quá trình này, ngoài tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân thì việc hoàn thiện, đổi mới chính sách BHXH sao cho hấp dẫn, thuận lợi trong đóng, hưởng lại giữ vai trò quyết định cho sự lựa chọn, tham gia lâu dài của họ.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.