Multimedia Đọc Báo in

Đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần lao động tự do

08:23, 06/01/2025

Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần với người dân, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, phân tích từng nhóm đối tượng cụ thể và huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương; qua đó, phát triển thêm nhiều đối tượng tham gia.

Không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già.

Thấu hiểu được điều này, chính sách BHXH tự nguyện đã mở ra cơ hội để người dân, lao động tự do có thể tự lo cho cuộc sống khi về già bằng cách lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện.

Với việc tham gia đủ số năm và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, người lao động sẽ được hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để ổn định cuộc sống khi về già mà không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Krông Pắc tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến lao động tự do.

Theo quy định, người lao động tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng mà người tham gia tự lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và không cao hơn 20 lần mức lương cơ sở.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng. Như vậy, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng và cao nhất là 10.296.000 đồng/tháng. Nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước hỗ trợ theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo (mức đóng tối thiểu là 231.000 đồng/tháng), 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo (247.500 đồng/tháng) và 10% đối với các đối tượng khác (297.000 đồng/tháng).

Bên cạnh đó, ngoài chính sách hỗ trợ trên, những người tham gia vào lực lượng bảo vệ lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ thêm 20% trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh, để phát triển đối tượng tham gia cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngành BHXH tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, pa nô, áp phích, qua các hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, qua mạng Zalo, Facebook; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT đến người dân và cán bộ tận thôn, buôn. Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn huyện mở nhiều hội nghị khách hàng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện. BHXH tỉnh cũng luôn chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch phát triển, rà soát, phân loại các nhóm đối tượng tiềm năng để tuyên truyền, vận động; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng đơn vị, đoàn thể, đại lý thu...  Kết quả, đến hết tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 20.421 người tham gia BHXH tự nguyện.

Đối với người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, để thay đổi nhận thức của họ trong việc tham gia BHXH tự nguyện là điều không dễ. Tuy nhiên với kinh nghiệm, kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động, cán bộ BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã bám cơ sở, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, địa phương để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Anh Y Thăng Du (xã Yang Tao, huyện Lắk) chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công nhân ở một công ty tại tỉnh Tây Ninh được 7 tháng thì nghỉ việc và về quê sinh sống. Một lần được cán bộ xã và cũng là nhân viên thu BHXH tư vấn và tuyên truyền, tôi đã quyết định không rút BHXH một lần mà tiếp tục tham gia chính sách BHXH tự nguyện với mức đóng thấp nhất. Năm nay tôi vừa tròn 40 tuổi, còn trẻ, còn khỏe và còn làm được việc nên tôi sẽ cố gắng tích góp để tham gia, giúp cuộc sống khi về già ổn định hơn”.

Anh Y Thăng Du, xã Yang Tao, huyện Lắk (bên trái) kiểm tra thông tin, quá trình tham gia bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VssID.

Có thể nói, thông qua những lần đối thoại, chia sẻ gần gũi của cán bộ BHXH, tuyên truyền viên, nhận thức của người dân về chính sách BHXH tự nguyện ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, được cấp thẻ BHYT miễn phí thì Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều điểm mới có lợi cho người tham gia như: lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con, mức hưởng là 2 triệu đồng; đồng thời, người tham gia BHXH được hưởng chế độ hưu trí khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.

Với những điểm mới này đã góp phần làm giảm khoảng cách về các chế độ giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, cũng như tiếp tục tạo động lực và là đòn bẩy để huy động lao động tự do tích cực tham gia vào chính sách an sinh xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc